Sớm hỗ trợ khôi phục rừng bị thiệt hại
(HPĐT)- Sau khi cơn bão số 3 quét qua, nhiều cánh rừng tại các địa phương trên địa bàn thành phố bị quật đổ, hoặc gãy rụng lá, còn trơ trụi thân cây. Sự tàn phá khốc liệt của bão khiến môi trường sinh thái bị ảnh hưởng, sinh kế của doanh nghiệp và người dân vốn trông chờ từ rừng cũng chịu tác động không nhỏ.
Khó khắc phục
Hơn 1 tuần kể từ khi cơn bão Yagi đi qua, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) mật ong Tùng Hằng (xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy) Đặng Thanh Tùng chưa hết bần thần khi nhìn cánh rừng ngập mặn của địa phương vốn xanh tốt, sau khi bão “quét” nay tả tơi, chỉ còn trơ cành. Nơi đây từng là nguồn thức ăn dồi dào, cung cấp tới 80% mật, phấn hoa cho các đàn ong của HTX. “Đơn vị có hơn 1.000 đàn ong, trung bình mỗi năm cho thu hoạch hơn 12.000 lít mật, mang lại thu nhập ổn định cho các hội viên. Đợt mưa bão khiến hơn 50% (khoảng 560 đàn ong) bị thiệt hại hoàn toàn. Để khắc phục hậu quả, hiện HTX phải hủy các đơn hàng nhỏ lẻ để tập trung cung cấp, bảo đảm nguồn hàng cho các các trung tâm thương mại, siêu thị… HTX cũng từng bước xây dựng kế hoạch cho những đàn ong còn lại ăn phấn hoa và đường để dần tái đàn. Tuy nhiên, phải mất ít nhất vài tháng mới có thể phục hồi lại, trong khi lượng mật hoa rừng ngập mặn và cây táo dịp cuối năm nay coi như không còn hi vọng. Thiên tai đành chấp nhận vậy!”, ông Tùng buồn bã cho biết.
Chỉ trong phút chốc, khu vực rừng đồi Thiên Văn (quận Kiến An), nơi được ví như "Đà Lạt thu nhỏ" giữa lòng thành phố bỗng trở thành xơ xác, trơ trụi lá. Tranh thủ thuê được người xếp thân gỗ keo vừa dọn dẹp lên xe tải, ông Nguyễn Hữu Lại (phường Văn Đẩu, quận Kiến An) cho biết: nhà ông có 40 ha trồng cây keo, thông bên núi Cột Cờ và gần 10 ha của người thân ở đồi Thiên Văn đều gãy, đổ hết. Với hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình ông ưu tiên cắt, thu dọn cây gẫy đổ. Khó khăn nhất hiện nay chính là nguồn tìm nhân lực, trang thiết bị, phương tiện để dọn dẹp, bởi công sức, vốn đầu tư vào cánh rừng đã khá lớn. Hiện giá thu mua gỗ keo chỉ được 500-600 đồng/kg, bằng một nửa so với thời điểm trước bão, nhưng cũng phải bố trí nhân lực vớt vát, tận thu…
Khó khăn trong công tác khắc phục đang là thực tế mà nhiều chủ rừng, đơn vị từ các cánh rừng trên địa bàn thành phố gặp phải sau cơn bão số 3. Bởi nơi đây vốn là sinh kế của nhiều người, với nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú.
Cắt tỉa, thu gom cây bị gãy đổ do bão số 3 tại quận Kiến An. Ảnh: Thanh Vân
Cần cơ chế hỗ trợ
Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Hợp Hoàng Xuân Tiến, nhờ có hệ thống rừng ngập mặn (gần 315 ha) chắn sóng, bảo vệ đê, góp phần giảm thiểu thiệt hại, tác động của mưa lũ tới địa phương. Đợt bão vừa qua tuy không làm ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan của rừng, song có khoảng hơn 30 ha (chủ yếu cây bần cao 8-10 m) thiệt hại nặng, bị gãy thân, bật gốc, chẻ ngọn, cụt ngọn, nên đàn ong không có hoa, làm tổ… Thực tế hằng năm, địa phương đều tiến hành trồng bổ sung để mở rộng diện tích rừng. Tuy nhiên, việc chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn đều không được bố trí kinh phí hỗ trợ. Lá cây, rừng có thể mọc dần trở lại, nhưng để phục hồi, tái tạo cần rất nhiều thời gian, công sức, chi phí…
Ngày 16-9 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có văn bản gửi UBND các quận, huyện có rừng, Chi cục Kiểm lâm về việc khắc phục rừng bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong đó đề nghị tổ chức thực hiện các nội dung theo hướng dẫn tại Văn bản số 1339 ngày 10-9 của Cục Lâm nghiệp, bảo đảm đúng quy định pháp luật về lâm nghiệp, các quy định pháp luật có liên quan.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Thụy Lê Thị Thanh Huyền cho biết, căn cứ theo văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 18-9, UBND huyện có văn bản về việc hướng dẫn đề xuất nhu cầu hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất sau cơn bão số 3. Trong đó, yêu cầu Đội Kiểm lâm cơ động phòng cháy chữa cháy rừng (thuộc Chi cục Kiểm lâm) phối hợp các địa phương có rừng kiểm kê, đánh giá thiệt hại về rừng theo quy định. Bên cạnh đó, hướng dẫn thủ tục khai thác, tận dụng, tận thu gỗ rừng trồng bị thiệt hại do bão theo quy định tại Thông tư số 26 về việc quy định quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản và Thông tư số 22 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực lâm nghiệp. Đồng thời tham mưu với UBND huyện và các địa phương có rừng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, khắc phục thiệt về rừng do thiên tai gây ra; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc khai thác, vận chuyển lâm sản.
Theo báo cáo UBND thành phố, tính đến ngày 14- 9, tính sơ bộ, toàn thành phố có khoảng 3.303 ha rừng bị thiệt hại, ảnh hưởng do siêu bão Yagi. Việc trồng lại rừng sau bão sẽ mất nhiều thời gian, chi phí đầu tư. Điều này cũng đồng nghĩa với việc trong vòng ít nhất 4-5 năm tới, cảnh quan, sinh kế người dân và nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ sản xuất sẽ bị ảnh hưởng và thiếu hụt nghiêm trọng. Vì vậy, bên cạnh việc khẩn trương khắc phục hậu quả của bão, các ngành chức năng cần sớm đưa ra các giải pháp căn cơ, hỗ trợ kịp thời ngay từ bây giờ để bảo vệ cảnh quan và sinh kế người dân.