Tăng cường hỗ trợ, giải quyết việc làm: Bền sinh kế, vững an sinh
(HPĐT)- Từ đầu năm 2024 đến nay, 31.360 lượt lao động trên địa bàn thành phố được giải quyết việc làm, tăng 1,36% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 54,2% chỉ tiêu kế hoạch năm. Kết quả trên có được là nhờ các cấp, ngành, địa phương chú trọng thực hiện các giải pháp hỗ trợ người trong độ tuổi lao động tiếp cận thông tin việc làm. Việc phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa các cấp, các ngành trong hoạt động xúc tiến, giới thiệu việc làm cần được duy trì để nâng cao hiệu quả kết nối cung-cầu lao động, bảo đảm sinh kế của người dân.
Đa dạng phối hợp, liên kết
5 tháng qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Phòng (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) tổ chức 29 phiên giao dịch việc làm. Bên cạnh duy trì các phiên giao dịch việc làm cố định, Trung tâm tăng cường đẩy mạnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, mở rộng phạm vi liên kết, tăng số lượng địa phương tham gia các phiên trực tuyến. Không chỉ chú trọng doanh nghiệp lớn như những năm trước, năm nay, các phiên giao dịch việc làm lưu động do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Phòng tổ chức bắt đầu thu hút doanh nghiệp nhỏ, bổ sung nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ, bán thời gian. Theo Giám đốc Công ty TNHH CP thương mại và dịch vụ HLV Hải Phòng Hoàng Như Võ, sau các phiên giao dịch việc làm, không chỉ lao động trên địa bàn quận Lê Chân liên hệ, nộp hồ sơ, nhiều lao động sinh sống tại ngoại thành (huyện An Dương, huyện Kiến Thụy) đăng ký phỏng vấn tại doanh nghiệp. Nhờ vậy, doanh nghiệp tuyển đủ lao động theo yêu cầu sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, các phiên tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm được nhiều đơn vị chủ động tổ chức ngay tại sân trường của một số trường THPT, cao đẳng, đại học, “đón đầu” lượng học sinh, sinh viên sắp tốt nghiệp. Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Thanh (huyện Thủy Nguyên) Nguyễn Thị Hải Yến cho biết, tháng 4 vừa qua, nhà trường phối hợp Trường cao đẳng du lịch Hải Phòng tư vấn, giới thiệu việc làm đối với gần 500 học sinh. Qua đó, học sinh nhà trường bước đầu hình thành ý tưởng lựa chọn công việc phù hợp sở thích, năng lực của bản thân và có thể đăng ký trải nghiệm nghề nghiệp trước khi chính thức có quyết định về công việc.
Theo Trưởng Phòng Quản lý lao động (Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng) Nguyễn Văn Luận, từ đầu năm 2024 đến nay, Phòng thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế (2 lần/tháng) để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của thành phố, địa phương, phối hợp các cơ quan thông tấn, báo chí đơn vị tư vấn, giới thiệu việc làm để thông tin sâu, rộng hơn tới người lao động. Nhờ vậy, 18 doanh nghiệp thuộc 8 khu công nghiệp tuyển bổ sung hơn 2.700 lao động làm việc. Phòng vừa hoàn thành thống kê nhu cầu tuyển dụng gần 1.700 lao động (đợt 1) của tháng 6 gửi các đơn vị để kịp thời kết nối cung- cầu lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Linh hoạt hơn để nâng hiệu quả
Giải pháp hỗ trợ việc làm, tạo thu nhập bền vững chính là yếu tố căn cơ nhiều địa phương chú trọng thực hiện công tác giảm nghèo. Trưởng Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện An Lão Nguyễn Văn Phương thông tin: Hiện, phần lớn người trong độ tuổi lao động trên địa bàn huyện làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhưng trên địa bàn huyện còn hơn 100 hộ nghèo và hơn 700 hộ cận nghèo với hơn 1 nghìn nhân khẩu ở độ tuổi trung niên, khuyết tật nhẹ, sức khỏe yếu, không phù hợp với môi trường làm việc theo dây chuyền công nghiệp hiện đại. Do đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Phòng cần mở rộng kết nối các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp, có cơ chế ưu tiên tuyển dụng lao động hộ nghèo, lao động khuyết tật, lao động trung niên… tham gia các phiên giao dịch việc làm, người lao động yếu thế có thêm cơ hội, sự lựa chọn.
Bên cạnh những kết quả phấn khởi từ cách làm mới, hướng đi mới, số liệu thống kê cho thấy, số lượng doanh nghiệp tham gia các phiên giao dịch việc làm mới đạt 510 lượt, chưa tương xứng quy mô hơn 20 nghìn doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố. Theo Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Thủy Nguyên Nguyễn Văn Xiệu, từ thực tế ngày càng có nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên địa bàn, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Phòng cần tăng cường hình thức gửi thư mời, email thông báo về thời gian, địa điểm cụ thể, hình thức tổ chức các phiên giao dịch việc làm để các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp vừa, nhỏ đăng ký tham gia đông đảo, thường xuyên hơn.
Để việc kết nối thông tin cung- cầu lao động đạt hiệu quả cao hơn, theo Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Huyền đề xuất, thời gian tới, các địa phương, các doanh nghiệp cần chủ động hơn, tích cực hơn trong công tác phối hợp, tham gia cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Phòng tiến hành khảo sát chi tiết, rà soát cụ thể, chính xác về các tiêu chí, yêu cầu về năng lực, trình độ, độ tuổi... theo vị trí việc làm. Qua đó, bổ sung căn cứ quan trọng để cán bộ ngành Lao độngThương binh và Xã hội đa dạng hình thức tổ chức phiên giao dịch việc làm, hỗ trợ người lao động tiếp cận thông tin tuyển dụng, chương trình đào tạo, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm phù hợp. Cùng với đó, Sở tham mưu, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, phấn đấu hoàn thành mục tiêu hết năm 2024, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội giải quyết việc làm đối với 57.900 lượt người, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị và nông thôn.