Xuân đến nơi phên dậu Tổ quốc (Kỳ 3)

05:57 CH 24/01/2025

Kỳ 3: Khát vọng ươm mầm nơi đảo xa

Các điểm đảo trên vùng biển Tây Nam đều xa đất liền, phương tiện đi lại không thuận lợi nên việc “gieo chữ” cho học sinh trên đảo vô cùng gian nan. Song, với quyết tâm “cõng chữ” lên đảo, những người lính quân hàm xanh, những thầy, cô giáo đang cần mẫn, miệt mài “gieo mầm” tri thức, thắp sáng tương lai cho con em nhân dân trên các đảo.

 

Đoàn công tác mang quà từ đất liền tặng học sinh lớp học tình thương.
 

Thầy giáo quân hàm xanh

Ấn tượng đầu tiên của đoàn công tác khi đặt chân đến đảo Hòn Chuối là hình ảnh những căn nhà tạm, lưng dựa vào thành núi, mặt hướng ra biển. Mọi thứ mộc mạc, giản dị, đơn sơ hệt như tính cách chất phác của người dân miền biển. Leo qua gần 400 bậc thang và một đoạn đường đất đá gồ ghề đến lưng chừng núi, mọi người bị thu hút bởi tiếng học bài của các em học sinh. Đó là lớp học tình thương do thiếu tá Trần Bình Phục (Đồn biên phòng Hòn Chuối) đứng lớp.

“Đột kích” lớp học của thầy Phục, đoàn công tác chứng kiến hình ảnh rất đỗi cảm động: Thầy Phục đang cầm taychỉ dẫn học sinh nắn nót viết những chữ cái đầu tiên. Trong căn phòng vỏn vẹn 30 m2, lớp học có đến 3 chiếc bảng, mỗi bảng ghi chép một nội dung khác nhau. Hỏi ra mới biết, đây là lớp học “5 trong 1”, 1 lớp học nhưng được chia thành 5 nhóm lớp, từ lớp 1 đến lớp 5. Vậy nên cứ giảng xong lớp này lại chuyển sang lớp khác, mọi thứ tưởng chừng rất rắc rối, phức tạp nhưng lại được thầy Phục xử lý rất hợp lý, không học sinh nào bị ảnh hưởng. Thầy Phục tâm sự: “Hiện lớp còn 12 học sinh do nhiều em hoàn thành xong cấp 1 và chuyển vào đất liền học tiếp. Từ năm 1995 khi lớp học bắt đầu được mở, đến nay tôi đã có đến 60 học sinh, thời điểm lớp đông nhất có 33 học sinh. Đã có 6 học sinh đỗ đại học, ra trường và có việc làm ổn định. Đối với người thầy, không niềm vui nào lớn hơn là chứng kiến học sinh của mình trưởng thành, thành tài”.

 

Thầy giáo quân hàm xanh Trần Bình Phục lên lớp hằng ngày.
 

Chia sẻ về hành trình “gieo chữ” của mình, thầy Phục cho biết: "Những ngày đầu đứng lớp thực sự tôi rất áp lực, vì đây là nhiệm vụ khác xa nhiệm vụ của người lính. Tối đến, tôi phải soạn giáo án, đọc tài liệu, tìm hiểu phương pháp sư phạm… Có những khi thấy quá sức, cũng nản lòng, nhưng được sự quan tâm, động viên của đơn vị, đồng đội, gia đình, tôi lại tiếp tục cố gắng. Đến giờ thì chỉ mong mỗi ngày được tới lớp là niềm hạnh phúc lớn. Để có thể gắn bó với lớp học tình thương trong nhiều năm qua, bên cạnh ý chí, nghị lực của người chiến sĩ còn là cả tình thương. Các em học sinh ở đây rất thiệt thòi, hoàn cảnh khó khăn, có em mồ côi, tương lai rất mờ mịt. Chính tình thương là động lực thôi thúc tôi tiếp tục gắn bó với đảo, gắn bó với học sinh. Tôi mong muốn tiếp tục được cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người” nơi đảo xa”.

Tình thương của thầy giáo Phục dành cho học sinh không chỉ thể hiện qua những bài giảng, những giờ lên lớp mà cả trong cuộc sống hằng ngày. Điều kiện đi lại trên đảo rất khó khăn, vất vả nên mỗi khi trời mưa, bậc thang trơn trượt, nguy hiểm, thầy lại cẩn thận đưa các em về nhà rồi mới yên tâm trở về đơn vị. Không những thế, mỗi khi về đất liền, thầy lại tìm mua thêm sách vở, đồ dùng học tập mang ra đảo để tặng học trò thân yêu.

 Hiện nay, lớp học tình thương được công nhận là điểm trường trong hệ thống giáo dục của thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau).  Thượng tá Đoàn Công nghiệp, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòn Chuối cho biết: “Xóa mù chữ, nâng cao dân trí ở các vùng biên giới, hải đảo là chủ trương lớn, nhiệm vụ lớn, mang tính quyết định đối với công tác bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Do đó, nhiều năm qua, Đồn Biên phòng Hòn Chuối luôn chú trọng đến công tác giáo dục, dạy học cho các cháu trên đảo. Đồng chí Trần Bình Phục đã và đang làm rất tốt nhiệm vụ này. Đồng chí không chỉ nhận được sự yêu mến của đồng đội mà còn được người dân trên đảo hết sức tin tưởng. Việc làm tốt công tác dân vận góp phần tăng cường mối đoàn kết, gắn bó giữa Ðảng với nhân dân, củng cố “thế trận lòng dân” trên địa bàn ngày càng vững chắc”.

     Bám đảo bằng lòng yêu nghề

May mắn hơn Hòn Chuối, đảo Thổ Chu (cách đảo Hòn Chuối hơn 100 km) có Trường tiểu học - THCS Thổ Châu khang trang. Trường hiện có hơn 300 học sinh các cấp học từ mầm non đến THCS. Vào bậc THPT, các em được gia đình đưa về đất liền học tiếp.

Hơn 30 năm gắn bó với đảo Thổ Chu, cô giáo Hà Thị Oanh, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường tiểu học - THCS Thổ Châu dành nhiều tình cảm cho học sinh, vùng đất và con người nơi đây. Nhớ lại những ngày đầu ra đảo, cô Oanh chia sẻ: “Năm 1995, tôi theo chồng ra đảo sinh sống, lúc ấy đảo chỉ có mấy chục mái nhà tranh, thưa thớt, vắng vẻ. Thế rồi từ những cư dân đầu tiên ra đảo, đến nay đảo có hơn 500 hộ dân với hơn 1.800 nhân khẩu. Có dân, có trẻ nhỏ, đảo như “ấm” lên, sáng bừng sức sống. Ban đầu ra đảo, tôi chỉ ở nhà trồng trọt, chăn nuôi. Sau đó, trẻ trên đảo đông dần lên, tôi xin hỗ trợ trông các bé mầm non, cầm tay cho học trò lớp 1 tập viết, đánh vần, làm phép tính cơ bản. Để gắn bó với nghề, tôi được ngành giáo dục địa phương tạo điều kiện cho đi học sư phạm rồi đứng lớp”. Sau nhiều năm gắn bó, cống hiến với đảo, yêu trẻ, yêu nghề, giờ chị Oanh phụ trách Trường tiểu học - THCS Thổ Châu.

Các em học sinh lớp học tình thương rất ngoan, chăm chỉ, chịu khó.
 

Sinh sống, dạy học trên đảo Thổ Chu đến nay hơn 14 năm, cô Phạm Thị Kim Tiên (quê Vĩnh Long) yêu vùng đất này và dành nhiều tình cảm cho học sinh nơi đây. “Lúc mới ra trường, khi nghe vận động giáo viên đến xã đảo Thổ Chu để dạy học, tôi mới bắt đầu tìm hiểu về đảo và quyết định đến đây dạy học. Thời điểm đó, cuộc sống nơi đây thiếu thốn nhiều thứ, từ lương thực, thực phẩm đến cơ sở vật chất… Đến nay, mọi thứ dần ổn định, các lớp học cũng được lắp tivi, có phòng máy tính…, việc dạy học cũng thuận lợi hơn”. Tuy nhiên, do đảo xa cách đất liền nên đồ dùng học tập, sách vở của chương trình giáo dục mới vẫn còn thiếu. Không những thế, do thiếu điện nên các em ít được xem tivi, việc sử dụng máy tính, tiếp cận công nghệ thông tin cũng hạn chế. Năm vừa qua, phần lớn thời gian không có điện, thời tiết nóng nực nhưng các em vẫn cố gắng đến trường đầy đủ, đó chính là niềm động lực lớn đối với giáo viên. Những ngày lễ, ngày tết, món quà mà các thầy, các cô nhận được là tôm, cá, mực. Chính tình cảm chân thành, mộc mạc của người dân xã đảo khiến họ vượt qua những khó khăn, nỗi nhớ nhà để tiếp tục dốc lòng, dốc sức vì sự nghiệp trồng người.

Chia tay người thầy giáo mang quân hàm màu xanh Trần Bình Phục và những thầy, cô giáo đang “cắm chốt” trên các điểm đảo tiền tiêu Tây Nam, chúng tôi có dịp hiểu và dành sự cảm phục đối với họ. Bằng những hành động thiết thực của mình, các thầy, cô đã thắp lên ngọn lửa niềm tin, chắp cánh ước mơ cho học sinh thân yêu, làm ấm thêm tình quân - dân nơi đảo xa, góp phần xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

 

------------------

Kỳ cuối: Tự hào về những người con đất Cảng

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập