Mong chờ tiện lợi với y bạ điện tử
(HPĐT)- Nhức đầu suốt mấy hôm nay, bà Ngần quyết định tới bệnh viện quận để khám. Ông Hanh đã dắt xe chờ sẵn ở sân, lại thấy vợ lật đật chạy vào nhà hồi lâu chưa ra, bèn cất tiếng gọi:
- Bà còn làm gì trong ấy thế? Đi nhanh lên, kẻo đến muộn quá lại không kịp khám trong sáng nay đâu!
Bà Ngần nói với ra:
- Còn sớm ông ơi. Tôi đang tìm lại cuốn sổ y bạ lần trước, để đi khám bệnh đỡ phải mua sổ mới. Mới viết có vài trang đã bỏ, đến bệnh viện lại mất tiền mua quyển khác, lãng phí lắm.
- Thôi, có 5 nghìn đồng một cuốn y bạ, đáng bao nhiêu, đến đó rồi mua. Giờ ta đi cho sớm, tôi đưa bà đi ăn sáng rồi thong thả ta đến nơi là vừa.
- Thì đúng là có đắt đỏ gì đâu, nhưng tôi mới mua lần đi khám bệnh tháng trước. Ngoài thông tin cá nhân ghi ở trang đầu, bác sĩ cũng mới viết có mỗi một trang kê đơn thuốc và lịch tái khám, còn lại vẫn trắng tinh. Tôi đã cẩn thận để vào tủ rồi, mà giờ tìm không thấy. Mua cuốn sổ khác cũng chỉ vài nghìn bạc, nhưng thấy nó lãng phí. Ông thử tính, nếu cứ mỗi lần khám bệnh lại mua một quyển, một người bệnh chỉ mất có 5 nghìn đồng, nhưng 100 người thì mất đến 500 nghìn đồng, chả ít đâu. Mà số lượt người bệnh đến khám ở một bệnh viện trong cả tháng đâu chỉ có 100 người.
Ông Hanh chép miệng:
- Bà nói cũng phải. Nhẽ ra, thời đại 4.0 này, cuốn sổ y bạ giấy ấy được thay bằng sổ y bạ điện tử có phải là tiện không bà nhỉ. Sổ y bạ lưu trên hệ thống thông tin dữ liệu của bệnh viện, người bệnh không lo làm mất, để quên để rồi phải mua đi mua lại nhiều lần, lãng phí; bệnh viện không phải cử người ngồi đón tiếp, ghi thông tin bệnh nhân nữa. Tôi nhớ là từ cách đây mấy năm, Nhà nước có chủ trương chuyển đổi sổ y bạ giấy sang sổ y bạ điện tử rồi mà. Bà Ngần tiếp lời:
- Mà ông có thấy, bây giờ thông tin chẩn đoán bệnh, chỉ định, kết quả xét nghiệm, đơn thuốc, nhiều bệnh viện họ in từ trong máy ra, rõ ràng để người bệnh dễ đọc, thậm chí còn gửi theo mã QR để tiện truy cập. Vậy nên, số y bạ giấy cũng chẳng còn phát huy được tác dụng ở chỗ nào nữa. Tôi thấy bây giờ mọi ngành, mọi lĩnh vực chuyển đổi số mạnh lắm, nhưng những chi tiết nhỏ thế này thì còn chậm. Thế nên, báo mới đưa Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu đến đầu năm 2025, 100% số cơ sở y tế và có 40 triệu người dân sử dụng Sổ sức khỏe điện tử đấy...
Ông Hanh cười:
- Bà tìm mãi không thấy thì ta cứ đi đã không lại muộn. Mà tôi thấy bệnh viện có hòm thư góp ý đấy. Lát nữa tới, ta cứ viết góp ý, đề xuất sớm chuyển sổ y bạ từ bản giấy sang bản điện tử. Thủ tướng Chính phủ chỉ thị như vậy, mình cũng là góp thêm tiếng nói để việc chuyển đổi số của các bệnh viện nhanh hơn, tốt hơn, bà nhỉ!