Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia Khu di tích Bạch Đằng Giang: Vang mãi hào khí dựng nước, giữ nước của dân tộc
Toàn cảnh sự kiện.
Dự buổi lễ, về phía Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Tô Huy Rứa, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và một số tỉnh, thành phố.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu dâng hương tại Khu di tích Bạch Đằng Giang trước sự kiện.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các đại biểu dự sự kiện.
Về phía thành phố có các đồng chí: Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Văn Tùng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thị Nghĩa, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên Thành ủy; các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu dự sự kiện.
Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia Khu di tích Bạch Đằng Giang và Chương trình nghệ thuật “Hào khí Bạch Đằng Giang” thu hút sự quan tâm theo dõi của hàng vạn người dân thành phố Cảng. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, kênh THP của Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng.
Các đại biểu dự sự kiện.
Vinh dự, gắn với trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị di tích
Phát biểu khai mạc Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia Khu di tích Bạch Đằng Giang, đồng chí Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố khẳng định: Hải Phòng là vùng đất cửa biển miền Đông Bắc Tổ quốc, luôn giữ vị trí chiến lược trọng yếu trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Các triều đại phong kiến nước ta đều xác định vùng đất này chính là “yết hầu của kinh thành”. Dòng sông Bạch Đằng chảy giữa huyện Thủy Nguyên – Hải Phòng và thị xã Quảng Yên – Quảng Ninh. Thời phong kiến, từ cửa biển Nam Triệu vào sông Bạch Đằng, tàu thuyền sẽ ngược Lục đầu giang và thẳng đến kinh thành. Hai bên bờ sông Bạch Đằng là hệ thống các nhánh sông ngòi dày đặc, núi non hiểm trở, có nhiều hang động và thung lũng, đặc biệt thuận lợi cho việc bố trí trận địa phòng thủ quốc gia.
Trên sông Bạch Đằng, vào thế kỷ 10 và thế kỷ 13 đã diễn ra 3 trận quyết chiến chiến lược của dân tộc ta, chống quân xâm lược phương Bắc. Năm 938, với thiên tài quân sự của Anh hùng dân tộc Ngô Quyền, người sáng lập trận địa cọc gỗ dưới lòng sông, phối hợp với thủy triều và sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, chỉ trong 1 ngày, một con nước thủy triều lên xuống mà đánh tan được quân xâm lược Nam Hán, hoàn thành nhiệm vụ của cả một cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đồng thời hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, chấm dứt 1117 năm Bắc thuộc, khôi phục nền độc lập tự chủ của đất nước.
Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố khai mạc Lễ đón nhận Bằng xếp hạng.
Năm 981, với tài quân sự xuất chúng của Hoàng đế Lê Đại Hành, kết hợp sử dụng trận địa cọc gỗ dưới lòng sông, phá tan dã tâm xâm lược nước ta của quân Tống, giữ vững nền độc lập, xây dựng Đại Cồ Việt hùng mạnh.
Cũng trên dòng sông Bạch Đằng, năm 1288, thiên tài quân sự kiệt xuất Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn một lần nữa vận dụng trận địa cọc gỗ dưới lòng sông Bạch Đằng, với “hào khí Đông A”, quân dân đời nhà Trần đã lập nên võ công oai hùng bậc nhất trong lịch sử, chiến thắng kẻ thù hùng mạnh bậc nhất, kết thúc giấc mộng xâm lăng xuống khu vực Đông Nam Á của đế quốc Ngyên Mông, mở ra một thời kỳ phát triển rực rỡ của nền văn hóa Thăng Long, văn minh Đại Việt.
Với sức mạnh dân tộc và chính nghĩa, các trận chiến lịch sử trên sông Bạch Đằng giành chiến thắng là những dấu mốc đặc biệt trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, mở ra thời kỳ hòa bình lâu dài và phát triển mới của đất nước. Các chiến thắng Bạch Đằng khẳng định thiên tài quân sự của các vị anh hùng dân tộc, thể hiện rõ nét tư tưởng “lấy dân làm gốc”, huy động sức mạnh lòng dân của cha ông ta.
Dòng sông Bạch Đằng luôn trong tâm thức của người dân thành phố Hải Phòng. Niềm tự hào về dòng sông Bạch Đằng cùng những chiến thắng vĩ đại trong lịch sử dân tộc đã góp phần hun đúc nên bản sắc. Phẩm chất của các thế hệ người dân Hải Phòng. Đó là tinh thần trung kiên, ý chí kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, Phẩm chất đó đã được phát huy liên tục trong suốt dòng chảy lịch sử từ hàng nghìn năm cho tới ngày nay, trở thành nguồn lực, sức mạnh nội sinh trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố. Nguồn sức mạnh đó cùng với những thành tựu đạt được sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới góp phần củng cố vững chắc niềm tin về tương lai phát triển rực rỡ của thành phố và đất nước, như mục tiêu Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố và Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đề ra.
Các đại biểu dự sự kiện.
Các nhà sử học dự sự kiện.
Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành nhấn mạnh: Với tấm lòng thành kính và tri ân công đức của các bậc tiên liệt, nhân dân thành phố đã tận tâm, tận lực xây dựng khu di tích tại vùng đất Tràng Kênh, trung tâm của chiến trường năm xưa. Trải qua gần 20 năm liên tục đầu tư, xây dựng, bằng nguồn vốn xã hội hóa, đóng góp của nhân dân thành phố và cả nước, Khu di tích Bạch Đằng Giang hoàn thành với quy mô như ngày nay.
Đồng chí Lê Văn Thành khẳng định: Việc đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia Khu di tích Bạch Đằng Giang là vinh dự lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Hải Phòng. Đây cũng chính là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố trong việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử khu di tích, tri ân các bậc tiên liệt, các Anh hùng dân tộc đã hy sinh trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Do đó, UBND thành phố khẩn trương kiện toàn tổ chức Ban Quản lý khu di tích, ban hành các quy định, thực hiện việc quản lý nhà nước theo đúng quy hoạch phê duyệt và các quy định của Luật Di sản và hệ thống pháp luật liên quan. UBND thành phố chỉ đạo Ban Quản lý khu di tích duy trì mô hình miễn toàn bộ vé tham quan và trông xe cho du khách, tuyệt đối không thu phí, không có các hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bảo đảm để Khu di tích Bạch Đằng Giang vừa là nơi phục vụ tích cực nhu cầu tham quan, du lịch, vừa là một trong những trung tâm quan trọng giáo dục truyền thống yêu nước, nâng cao niềm tự hào dân tộc, hun đúc khát vọng xây dựng đất nước độc lập, tự chủ, hùng cường và thịnh vượng. Đặc biệt việc phát hiện các bãi cọc trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông vào năm 1288 tại thôn Cao Quỳ, xã Liên Khê, thôn Đầm Thượng, xã Lại Xuân (huyện Thuỷ Nguyên) càng khẳng định thêm giá trị lịch sử quý giá của Khu di tích Bạch Đằng Giang.
Tiếp theo chương trình, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Thị Thu Hiền công bố Quyết định số 3229/QĐ-BVHTTDL ngày 4-11-2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xếp hạng di tích cấp lịch sử quốc gia đối với Khu di tích Bạch Đằng Giang. Đại diện lãnh đạo thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố đón nhận Quyết định do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trao.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia Khu di tích Bạch Đằng Giang.
Hào hùng chương trình nghệ thuật “Hào khí Bạch Đằng Giang” tái hiện 3 trận chiến lịch sử
Kết thúc lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia Khu di tích Bạch Đằng Giang là Chương trình nghệ thuật “Hào khí Bạch Đằng Giang”. Chương trình biểu diễn nghệ thuật sử thi được chuẩn bị công phu, hoành tráng với sự tham gia của hơn 500 nghệ sĩ, diễn viên đến từ Nhà hát Tuồng Việt Nam, Đoàn Văn công Hải quân, Học viện Múa Việt Nam và các chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126, Trung đoàn 50 (Bộ Chỉ huy quân sự thành phố). Chương trình cũng có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng như NSND Quốc Hưng, NSƯT Thanh Lam, NSƯT Đăng Dương, NSƯT Lương Huy, các ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, Tùng Dương, Đức Tuấn… Kịch bản và tổng đạo diễn chương trình là nhà viết kịch Vũ Hải; biên đạo múa: NSND Hữu Từ, NSƯT Tuyết Minh, Văn Hiền, Tiến Thanh, Hải Trường.
Chương trình nghệ thuật “Hào khí Bạch Đằng Giang” gồm 3 phần.
Chương trình nghệ thuật “Hào khí Bạch Đằng Giang” gồm 3 phần, mỗi phần là hoạt cảnh nhằm tái hiện 3 chiến thắng lẫy lừng trên dòng sông Bạch Đằng, tôn vinh các vị anh hùng dân tộc. Phần 1 là hoạt cảnh tái hiện chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938, Đức Vương Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán chấm dứt 1117 năm Bắc thuộc, mở ra kỷ nguyên độc lập lâu dài của dân tộc ta. Phần 2 tái hiện chiến thắng Bạch Đằng năm 981 của Hoàng đế Lê Hoàn, là chiến công của sự kết hợp mưu trí và sức mạnh đoàn kết, tiêu diệt quân Tống xâm lược. Phần 3 tái hiện chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, đập tan âm mưu xâm lược Đại Việt, chôn vùi mộng bá chủ toàn cầu của đế quốc Nguyên Mông thế kỷ thứ 13; là đỉnh cao tài năng quân sự của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, biểu hiện sức mạnh đoàn kết dân tộc, sự hy sinh và những đóng góp to lớn của nhân dân.
Chương trình nghệ thuật "Hào khí Bạch Đằng Giang".
Bên cạnh sự dàn dựng công phu, cùng các đạo cụ, màn múa tái hiện 3 trận đánh lịch sử trên sông Bạch Đằng, hoạt cảnh sử dụng nhiều ca khúc mang âm hưởng hào hùng, tiêu biểu là ca khúc “Hò kéo gỗ trên Bạch Đằng Giang” của cố nhạc sĩ Văn Cao. Cuối chương trình nghệ thuật là 2 ca khúc “Hào khí Bạch Đằng”, “Hải Phòng cất cánh bay lên” của nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn, mang không khí phấn khởi, rộn ràng, thể hiện thành phố Cảng “Trung dũng – Quyết thắng”, thành phố Hoa Phượng Đỏ đang trên đà phát triển và hội nhập mạnh mẽ. Nhưng trong tâm thức và ký ức các thế hệ người dân Hải Phòng không bao giờ quên những chiến thắng vĩ đại, oanh liệt của ông cha ta trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Bạch Đằng Giang đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng dân tộc, nơi hội tụ trí tuệ, lòng yêu nước và sự đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
Kết thúc chương trình nghệ thuật “Hào khí Bạch Đằng Giang” là màn bắn pháo hoa nghệ thuật tưng bừng, ấn tượng.