Nâng tầm giá trị bảo vật quốc gia

10:11 SA 19/01/2025

(HPĐT)- Với bộ kim phẩm đền Nghè vừa được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia, như vậy, đến thời điểm này, Hải Phòng có 22 bảo vật quốc gia. Việc bảo quản và phát huy giá trị đối với bảo vật quốc gia cũng đặt ra những yêu cầu đặc biệt, xứng tầm giá trị hiện vật…

 

Bảo tàng Hải Phòng sẽ tăng cường các biện pháp bảo quản và đề xuất phương án phát huy giá trị bảo vật quốc gia. Ảnh: Đỗ Hiền
 

Bất ngờ có… bảo vật

Khi tổ chức trưng bày chuyên đề “Bảo vật quốc gia” trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024, Bảo tàng Hải Phòng có “sáng kiến” lần đầu giới thiệu công chúng bộ kim phẩm đền Nghè vừa được tiếp nhận sau 48 năm bảo quản trong Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hải Phòng. Theo đó, số hiện vật bằng vàng gắn với Di tích lịch sử đền Nghè - nơi thờ Nữ tướng Lê Chân, được người trông coi đền gửi Ngân hàng quốc gia Việt Nam từ năm 1959 theo quy định thời bấy giờ. Năm 1976, thực hiện Thông tư 142 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý kim khí quý, đá quý, Viện Bảo tàng thuộc Sở Văn hoá Hải Phòng (nay là Bảo tàng Hải Phòng thuộc Sở Văn hoá và Thể thao), đơn vị quản lý di tích đền Nghè tiếp tục gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh thành phố Hải Phòng số hiện vật này để bảo quản, quản lý theo quy định. Năm 2009, Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng Nguyễn Phúc Thọ từng có văn bản gửi Ngân hàng đề nghị được nhận lại số hiện vật, nhưng vì một số lý do nên việc này đành gác lại. Đầu năm 2024, Bảo tàng Hải Phòng đề xuất Sở Văn hóa và Thể thao có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hải Phòng đồng ý để Bảo tàng nhận lại số hiện vật trên nhằm quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị. Rất nhanh sau đó, ngày 1- 2, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hải Phòng có văn bản hồi đáp, mời Bảo tàng Hải Phòng sang nhận lại hiện vật. Ngày 5-2 (tức ngày 26 tháng Chạp năm Quý Mão, sau ngày “Chạp thần” của Nữ tướng Lê Chân 1 ngày), lãnh đạo Bảo tàng chính thức nhận số hiện vật “nguyên đai, nguyên kiện” như biên bản bàn giao ký năm 1976…

Bộ kim phẩm đền Nghè có nguồn gốc xuất xứ Việt Nam, gồm 16 nhóm hiện vật: 1 lá trầu, 1 chùm cau, 4 thẻ bài, 1 lá vàng, 1 quạt, 3 đôi bông tai, 2 hộp sáp môi, 1 đôi vòng, 1 bộ cúc, 11 chuỗi hạt (999 hạt), được chế tạo từ kim loại vàng (Au), được chọn lọc có tỷ lệ thành phần vàng từ 92 đến 98%. Căn cứ các tài liệu lưu trữ, nghiên cứu về lịch sử hình thành, tồn tại của đền Nghè và đặc trưng về phong cách nghệ thuật, trang trí mỹ thuật trên hiện vật, Bảo tàng Hải Phòng xác định bộ kim phẩm đền Nghè được chế tác vào thời Nguyễn, đầu thế kỷ 20. Đại diện cho tín ngưỡng dân gian - tín ngưỡng thờ Thánh mẫu Lê Chân tại Hải Phòng và nghệ thuật chế tác kim hoàn đỉnh cao đầu thế kỷ 20, bộ kim phẩm đền Nghè được Bảo tàng Hải Phòng thiết lập hồ sơ, trình UBND thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia trong đợt 13 năm 2024, cùng với 32 bảo vật quốc gia khác…

 

Phát huy giá trị xứng tầm

Hải Phòng là miền đất có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, với những chứng tích của người tiền sử tại di chỉ khảo cổ học Cái Bèo, di chỉ khảo cổ học Tràng Kênh, Núi Voi. Bên cạnh đó, Hải Phòng còn gắn liền với tên tuổi Nữ tướng Lê Chân, một trong những vị tướng tài trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, là người lập nên Trang An Biên và địa danh “Hải tần phòng thủ” (Hải Phòng ngày nay). Hải Phòng cũng là nơi diễn ra các trận chiến trên sông Bạch Đằng, biểu tượng hào hùng về tinh thần vệ quốc của dân tộc Việt Nam. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Hải Phòng lưu giữ nhiều di sản văn hóa có giá trị, trong đó 22 hiện vật được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Ngoài 3 bảo vật: thanh Long đao (niên đại thế kỷ 17-18) hiện lưu giữ tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung và phù điêu Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (niên đại thế kỷ 16) tại chùa Trà Phương (huyện Kiến Thụy), 18 bảo vật quốc gia khác nằm trong Sưu tập An Biên của nhà sưu tập Trần Đình Thăng, gồm: 9 hiện vật gốm men trắng triều Lý (4 ấm, 2 liễn và 3 đĩa) được công nhận bảo vật quốc gia năm 2021; 6 hiện vật được công nhận năm 2022 và 3 hiện vật được công nhận năm 2023. Riêng bộ kim phẩm đền Nghè được công nhận bảo vật quốc gia vào cuối năm 2024, hiện được Bảo tàng Hải Phòng bảo quản và phát huy giá trị…

Theo Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng Bùi Thị Nguyệt Nga, từ khi “tái xuất” trở lại, bộ kim phẩm đền Nghè duy nhất được giới thiệu đến công chúng trong Trưng bày chuyên đề “Bảo vật quốc gia - Sưu tập An Biên” tại Bảo tàng Hải Phòng vào tháng 5-2024 trong chuỗi các sự kiện của Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2024 “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản”, thu hút sự quan tâm, thưởng ngoạn của đông đảo công chúng và du khách thập phương. Ngay sau khi trưng bày, bộ hiện vật được Bảo tàng Hải Phòng đưa vào bảo quản, lưu giữ theo quy định. Khi trở thành bảo vật quốc gia, công tác bảo quản và phát huy giá trị đối với bộ kim phẩm đền Nghè sẽ phải bảo đảm những quy định khắt khe hơn. Theo đó, Bảo tàng Hải Phòng dự kiến đề xuất Sở Văn hóa và Thể thao, thành phố tổ chức đón công nhận danh hiệu bảo vật quốc gia đối với bộ kim phẩm đền Nghè vào tháng 5-2025, đồng thời xây dựng các phương án bảo quản, phát huy giá trị đối với bộ hiện vật xứng tầm. “Bộ kim phẩm đền Nghè sẽ được bảo quản trong hệ thống tủ bảo quản bảo đảm và chỉ được trưng bày vào những thời điểm phù hợp nhằm phát huy cao nhất giá trị của bảo vật quốc gia”, Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng Bùi Thị Nguyệt Nga thông tin.

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập