Tiên phong, kiên định với mục tiêu chuyển đổi xanh
(HPĐT)- Với những lợi thế đặc biệt, tầm nhìn dài hạn và hành động nhất quán, thành phố Hải Phòng đang trở thành điểm sáng của cả nước trong lộ trình tăng trưởng xanh và bền vững. Năm 2025 là thời điểm có nhiều sự kiện, dấu mốc đặc biệt quan trọng, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố xác định chủ đề năm: “Mở rộng không gian kinh tế, đô thị; phát huy cơ chế, chính sách đặc thù; tăng cường chuyển đổi xanh, chuyển đổi số”. Điều này thể hiện sự quyết tâm, hành động cao nhất đối với mục tiêu chuyển đổi xanh của thành phố. Phóng viên Trung tâm Báo chí và Truyền thông thành phố Hải Phòng có cuộc phỏng vấn ông DƯƠNG ĐÌNH ỔN, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường chung quanh vấn đề này.
- Từ năm 2014, thành phố Hải Phòng là địa phương đầu tiên của cả nước xây dựng, ban hành kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Hơn 10 năm qua, Hải Phòng trở thành điểm sáng về tăng trưởng xanh của cả nước. Đồng chí cho biết làm thế nào thành phố đạt được điều này?
- Với vị thế là trung tâm kinh tế, công nghiệp và cảng biển hàng đầu của Việt Nam, thành phố Hải Phòng luôn xác định rõ vai trò và trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hải Phòng tự hào là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với sự phát triển bền vững. Năm 2014, Hải Phòng là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước xây dựng, ban hành kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo hướng xanh hóa và bền vững, xây dựng thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại được thành phố xác định và triển khai thực hiện. Từ năm 2014 đến nay, UBND thành phố ban hành nhiều kế hoạch, đề án ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Tháng 4-2023, UBND thành phố có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về tăng trưởng xanh. Đây là đơn vị có chức năng nghiên cứu, chỉ đạo, xây dựng, thực hiện kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh thành phố giai đoạn 2021 - 2030 và các giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, thành phố đang nỗ lực triển khai nhiều hành động hiện thực hóa Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tháng 1-2025, thành phố ban hành Quyết định 117 phê duyệt kế hoạch hành động tăng trưởng xanh thành phố giai đoạn 2021- 2030. Trong đó, ưu tiên phát triển công nghiệp xanh, mô hình các khu công nghiệp sinh thái và bất động sản công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn bền vững, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, theo quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng đề ra mục tiêu đến năm 2050 là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với 3 trụ cột phát triển dịch vụ cảng biển-logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh. Trong hoạt động thu hút đầu tư phát triển, thành phố kiên trì tuân thủ danh mục các ngành nghề, lĩnh vực đầu tư được khuyến khích và kiên quyết không chấp nhận các lĩnh vực đầu tư ô nhiễm, lạc hậu, tiêu tốn tài nguyên...
- Với những quyết tâm và bước đi đột phá, thành phố Hải Phòng khẳng định được vị trí, vai trò động lực phát triển kinh tế xanh của cả nước. Ông có thể giới thiệu những dấu ấn nổi bật qua hơn 10 năm thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh của thành phố.
- Với tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, sau hơn 10 năm kiên trì mục tiêu tăng trưởng xanh, thành phố Hải Phòng đạt được một số kết quả ấn tượng. Theo đó, địa phương chủ trương chuyển đổi các cảng biển theo xu hướng xanh hóa với các hoạt động bền vững, thân thiện với môi trường. Các cảng xanh áp dụng công nghệ xanh và nhiên liệu CO2 thấp cho thiết bị sử dụng nhiều năng lượng. Hải Phòng cũng ưu tiên phát triển công nghiệp xanh, mô hình các khu công nghiệp (KCN) sinh thái và bất động sản công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn bền vững, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Thành phố luôn khuyến khích các nhà đầu tư tập trung phát triển các dự án có công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Cùng với đó là các chính sách khuyến khích nhà đầu tư tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng điện mặt trời áp mái, sử dụng các công nghệ sản xuất bảo vệ môi trường…
Thực tế chứng minh, Hải Phòng có những bước chuyển mình nhanh chóng. Thành phố duy trì tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ở mức hai con số trong suốt 10 năm liên tục. Hải Phòng là một trong những địa phương dẫn đầu về tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nằm trong top 3 cả nước năm 2022, tiếp tục khẳng định chất lượng điều hành kinh tế địa phương, tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp dân doanh của Hải Phòng. Năm 2023, chỉ số PGI (chỉ số xanh cấp tỉnh) của thành phố vượt 9 bậc so với năm 2022, xếp vị trí thứ 7/63 tỉnh thành phố, lọt top 10 địa phương có điểm số cao nhất cả nước. Kết quả này không chỉ phản ánh sự tiên phong của chính quyền thành phố trong việc xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh; thực hiện hiệu quả việc lồng ghép các yếu tố về biến đổi khí hậu trong tất cả hoạt động kinh tế-xã hội; gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân hướng tới bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng xanh của thành phố; khuyến khích các nhà đầu tư tập trung phát triển mô hình KCN sinh thái, KCN bền vững và hiệu quả cao. Nhờ vậy, năm 2023, thành phố không chỉ thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn trong nước mà còn vươn lên nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
- Với trách nhiệm là đơn vị được UBND thành phố giao nhiệm vụ tham mưu triển khai nhiệm vụ chuyển đổi xanh, ông cho biết mục tiêu và quá trình thực hiện chuyển đổi xanh như thế nào?
- Có thể nói, chuyển đổi xanh không phải là lựa chọn mà là xu hướng tất yếu thành phố cần đi theo và đang hành động quyết liệt để đạt được mục tiêu đề ra. Hải Phòng là thành phố hội tụ rất nhiều điều kiện thuận lợi về giao thông, môi trường và yếu tố con người để có thể đi tiên phong, đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế tuần hoàn theo mô hình xanh, sạch và số của khu vực, phù hợp với nền kinh tế phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc tăng tốc chuyển đổi xanh tại thành phố còn đối mặt một số thách thức. Trong đó, việc xác định thu hút các doanh nghiệp có cộng sinh công nghiệp ngay từ đầu là thách thức lớn, do các doanh nghiệp bị áp lực thu hồi vốn nhanh, trong khi đầu tư xanh cần dài hạn. Vốn đầu tư cho phát triển theo các tiêu chí xanh, sinh thái luôn ở mức cao, nên làm tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ... Nhận thức rõ thuận lợi và khó khăn, kiên định mục tiêu đề ra, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố xác định chuyển đổi xanh là thành tố chủ đề năm 2025. Đây là cơ sở để các cấp, các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ và hiệu quả.
Chuyển đổi xanh không dừng ở trong lĩnh vực kinh tế bao trùm các mặt của đời sống xã hội. Tại chương trình hành động thực hiện chủ đề năm 2025 của thành phố chỉ rõ nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Để đạt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 năm 2050, trong năm 2025, thành phố tập trung 3 nhiệm vụ đề án giảm phát thải CO2 tại huyện Cát Hải; giảm phát thải khí CO2, khí mê tan của ngành giao thông, vận tải. Xây dựng Khu kinh tế ven biển phía Nam thành phố với quy mô khoảng 22.000 ha là hình mẫu thực hiện chuyển đổi xanh trong các khu công nghiệp, khu kinh tế tại thành phố. Cùng với đó, các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị... đều có những hoạt động để giảm phát thải khí nhà kính. Cụ thể, trong lĩnh vực thương mại, thành phố tuyên truyền, vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống và cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy. Lĩnh vực du lịch sẽ có bộ tiêu chí “du lịch xanh”. Về giáo dục, sẽ xây dựng thí điểm mô hình trường học sinh thái, trường học xanh. Đối với công tác tái thiết, chỉnh trang đô thị, ưu tiên bổ sung diện tích công viên cây xanh, duy trì các quỹ đất cây xanh công viên hiện trạng, khai thác các giá trị cảnh sinh thái, ưu tiên sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, có mức phát thải thấp. Lĩnh vực môi trường hạn chế tới mức thấp nhất lượng chất thải sinh hoạt phải chôn lấp, xử lý; phấn đấu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái sử dụng, tái chế, làm thức ăn chăn nuôi, làm phân mùn hữu cơ đạt từ 35% năm 2025 đến 55% vào năm 2030... Thành phố ưu tiên sử dụng vốn ngân sách cho tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh; ưu tiên xây dựng, lựa chọn danh mục dự án xanh trên địa bàn thành phố để được vay lại vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ xanh; triển khai các giải pháp của Chính phủ về chính sách ưu đãi tài chính cho các hoạt động đầu tư xanh, tín dụng xanh và dự án tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh; tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường theo hướng ngăn chặn các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường...
Với tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, chiến lược rất rõ ràng, làm tốt công tác quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, các khu kinh tế, khu công nghiệp, thành phố Hải Phòng khẳng định vai trò tiên phong, nâng tầm chiến lược phát triển xanh.
Chuyển đổi xanh là thuật ngữ mang tính toàn cầu, đại diện cho những nỗ lực nhằm xây dựng tương lai bền vững, thân thiện với môi trường. Khái niệm này vượt ra ngoài giải pháp đơn lẻ, là hành trình toàn diện để chuyển đổi hệ thống kinh tế- xã hội theo hướng phát triển bền vững.
- Xin cảm ơn ông!