Từ Nhà thương bản xứ đến “cánh chim đầu đàn” của ngành Y tế Hải Phòng

05:47 CH 02/04/2025

(HPĐT)- Năm 2025 - tròn 120 năm Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp xây dựng và trưởng thành. Kể từ ngày 2-10-1905, Hội đồng thành phố ra quyết định thành lập Nhà thương bản xứ, qua từng giai đoạn phát triển với bao thăng trầm của lịch sử với một số lần đổi tên, như: Bệnh viện thành phố, Bệnh viện Tiệp Khắc, Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp, đến nay, bệnh viện không ngừng phát triển lớn mạnh, trở thành “cánh chim đầu đàn” của ngành Y tế Hải Phòng.

 

Ê kíp bác sĩ Khoa Tim mạch (Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp) can thiệp mạch điều trị người bệnh.

 

Đi lên từ gian khó 

Hải Phòng có con phố nhỏ, con phố ấy có duy nhất số nhà. Đó là, Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp ở phố Nhà Thương (quận Lê Chân). Theo lịch sử ghi lại, ngày 2- 10-1905, Hội đồng thành phố quyết định xây dựng Nhà thương bản xứ (Hopital indigène). Địa điểm được chọn vốn là bãi đất trống, có vài lán trại xiêu vẹo, trống trải của Sở mộ khu mới cất lên, làm nơi tập trung hàng trăm phu mộ ở khắp các tỉnh Bắc Kỳ đợi tàu đi vào các đồn điền cao su Nam Kỳ. Cuối tháng 4-1906, nhà thương xây xong, vỏn vẹn có 3 nhà, một phòng khám và nhập viện, hai nhà khác là phòng điều trị người bệnh làm phúc. Ba nhà trên đều lợp tôn. Do quá chật chội, nên cùng năm 1906, thành phố cho xây thêm một nhà cho khoa ngoại, một nhà cho khoa nội, một nhà bếp, một nhà tắm và khu vệ sinh. 

Cuốn “Lịch sử Bệnh viện đa khoa Việt Tiệp” xuất bản năm 2005 ghi lại: "Năm 1955, khi Chính phủ ta vào tiếp quản, mặc dù có 50 năm hoạt động, bệnh viện chính vẫn là một cơ sở y tế hết sức nhỏ bé. Mặt khác, trước khi rút khỏi thành phố, quân địch chuyển phần lớn dụng cụ, thuốc men vào Nam. Vào những ngày đầu hòa bình lập lại, một số cán bộ có chuyên môn sâu thường phải đảm nhiệm nhiều chức năng nhiệm vụ, vừa của toàn ngành, vừa của bệnh viện. Bác sĩ Bùi Đồng được Bộ Y tế giao nhiệm vụ trưởng đoàn y tế tiếp nhận bàn giao các cơ sở y tế Hải Phòng. Ông là Giám đốc Sở Y tế kiêm Giám đốc bệnh viện. Bác sĩ Vũ Tiến Thọ, Phó giám đốc Sở Y tế, phụ trách công tác phòng bệnh, phòng dịch của ngành, đồng thời trực tiếp phụ trách Khoa Lây của bệnh viện. Dược sĩ Lê Đăng Đệ phụ trách công tác dược toàn ngành và Khoa Dược của bệnh viện. Số thầy thuốc không ai ở lại. Nhân viên có nghề như y tá, hộ sinh chỉ có khoảng 20 người nên phải bắt tay xây dựng bệnh viện từ con số không, mọi việc phải làm lại từ đầu. Người bệnh nhiều, một số y tá từ vùng kháng chiến vào tiếp quản và những người có tinh thần yêu nước ở lại phải làm việc hết sức để duy trì hoạt động của bệnh viện. Đến cuối năm 1955, mặc dù có nhiều khó khăn về người và phương tiện chuyên môn kỹ thuật, bệnh viện triển khai được 100 giường bệnh; số biên chế cũng lên tới 150 người. Năm 1957, với sự giúp đỡ của những người bạn đến từ Tiệp Khắc, Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp được thành lập và xây dựng trên nền nhà thương ngày xưa".

Nỗ lực trở thành “cánh chim đầu đàn” 

Trải qua 120 năm xây dựng và trưởng thành, hiện nay, Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp là bệnh viện đa khoa hạng 1 tuyến thành phố. Bệnh viện có 47 khoa lâm sàng, 11 khoa cận lâm sàng và 11 khoa phòng chức năng, cùng với đội ngũ y tế gồm 2.180 y bác sĩ, nhân viên y tế, trong đó có nhiều phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, BSCK1, BSCK2 giàu kinh nghiệm. Theo TS.BSCK2 Nguyễn Quang Tập, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản lý bệnh viện, hướng tới mục tiêu phát triển thành Bệnh viện chuyên sâu vùng Duyên hải Bắc bộ, những năm qua, Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển các kỹ thuật y tế tiên tiến, cải cách hành chính gắn liền với đào tạo chuyên sâu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, quyết tâm xây dựng bệnh viện trở thành địa chỉ khám, chữa bệnh tin cậy của nhân dân Hải Phòng và các tỉnh lân cận. Được sự quan tâm của thành phố, cuối năm 2023, Bệnh viện hoàn tất mô hình bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh khi thành lập Khoa Nhi và Khoa Phụ sản. Bệnh viện hiện có 2 cơ sở khám, chữa bệnh với quy mô hơn 1.400 giường kế hoạch, 2.288 giường bệnh thực kê, với đầy đủ các chuyên khoa, chuyên ngành đáp ứng yêu cầu cơ sở y tế an toàn. Bên cạnh đó, bệnh viện đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại để phục vụ cho hoạt động khám chữa bệnh, như: Máy xạ trị gia tốc; cộng hưởng từ tesla 3.0; máy chụp cắt lớp vi tính 768 lát; hệ thống xét nghiệm y học và sinh học phân tử; các phòng mổ hiện đại, bảo đảm an toàn và hiệu quả cho các ca phẫu thuật… 

Năng lực khám và điều trị của đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp không ngừng được nâng cao. Bệnh viện triển khai thành công nhiều kỹ thuật mới, mang lại kết quả thiết thực cho người bệnh, như: Phẫu thuật tim hở, phẫu thuật thay khớp, nội soi khớp, phẫu thuật nội soi lồng ngực, phẫu thuật vi phẫu ghép chi thể đứt rời, phẫu thuật chuyên sâu trong các lĩnh vực sọ não - cột sống, chấn thương, tiết niệu, tiêu hóa, tạo hình - thẩm mỹ, can thiệp tim và mạch máu, can thiệp mạch não, chẩn đoán và điều trị ung thư hiện đại... Trong 2 năm 2023 - 2024, bệnh viện triển khai thành công 6 ca ghép thận tại thành phố, đánh dấu bước tiến mới trong điều trị cho những người bệnh suy tạng giai đoạn cuối, mang lại hy vọng vượt qua căn bệnh hiểm nghèo. Bên cạnh nâng cao chất lượng khám, điều trị, Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp luôn quan tâm đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. 

Kiên định với mục tiêu “Chất lượng, kỷ cương, niềm tin, hiệu quả”, thời gian tới, Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh. Theo đó, bệnh viện tập trung phát triển các kỹ thuật mới và nghiên cứu khoa học có chất lượng như: ứng dụng phẫu thuật bằng robot; điều trị nội khoa can thiệp, sinh học phân tử, tế bào gốc...; chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư cơ sở vật chất; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế; tăng cường liên kết với các bệnh viện quốc tế nhằm cung cấp những dịch vụ khám, chữa bệnh tốt nhất đến người dân. 
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập