Bảo đảm chất lượng, công bằng trong tuyển sinh
(HPĐT)- Một trong những điểm mới của Thông tư 06/2025/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non (quy chế tuyển sinh) là yêu cầu các cơ sở đào tạo sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh. Đây là điều chỉnh phù hợp, qua đó bảo đảm công bằng cho các thí sinh cũng như chất lượng nguồn tuyển cho cơ sở đào tạo.
Nhìn lại những mùa tuyển sinh trước, khi dùng điểm của 3 đến 5 kỳ học, nhiều cơ sở đào tạo “ồ ạt” tuyển sinh sớm để thu hút thí sinh. Không ít thí sinh khi biết mình đủ điều kiện trúng tuyển sớm bằng phương thức xét học bạ THPT đã bỏ bê việc học, dẫn tới kết quả thi không cao, không phản ánh đúng năng lực. Không những thế, áp dụng xét tuyển sớm bằng phương thức này còn làm kỳ tuyển sinh kéo dài, thí sinh phải đi xin xác nhận kết quả học tập cấp THPT gửi nhiều cơ sở đào tạo, tốn kém thời gian, chi phí. Nhiều cơ sở đào tạo gọi số lượng lớn thí sinh trúng tuyển sớm, nhưng số nhập học ít cho thấy việc xét tuyển kiểu này không mấy hiệu quả.
Với quy chế tuyển sinh năm 2025, thí sinh phải tập trung học tập tối đa nếu muốn có kết quả tốt, hồ sơ học bạ THPT “đẹp” để tham gia xét tuyển vào trường đại học. Theo nhận định, năm nay, điểm xét tuyển bằng phương thức xét học bạ có xu hướng tăng vì chi tiêu xét tuyển bằng phương thức này thấp hơn các năm trước. Vì vậy, nếu thí sinh lựa chọn phương thức xét học bạ THPT, cần tìm hiểu kỹ lưỡng về chỉ tiêu, thời gian và số học kỳ xét tuyển trong phương án tuyển sinh của cơ sở đào tạo; đồng thời tính toán kết quả học tập so với các phương thức xét tuyển khác để cân nhắc lựa chọn phương thức có lợi thế nhất, tăng cơ hội trúng tuyển đại học.