Ba trăm ngày đấu tranh sôi sục, quyết liệt giải phóng hoàn toàn thành phố (Kỳ 5)

01:46 CH 05/04/2025

Cay cú trước những thất bại, đầu tháng 2, bọn địch huy động cả một trung đoàn lính Pháp và hiến binh, hàng nghìn công an, mật vụ bất ngờ xông vào bệnh viện cướp tài sản chở về Sáu Kho. Đây là cuộc hành binh có quy mô lớn của quân đội Pháp, nhưng mục đích thì vô cùng hèn hạ: Lấy đi mấy cái máy giặt và tủ lạnh của bệnh nhân. 

 

Bộ đội ta tiếp quản JUDO CLUB từ tay lính Pháp. (Ảnh tư liệu)

 

Tại nhà máy xi măng, đội tự vệ được phân công bí mật theo dõi âm mưu và thủ đoạn địch, canh gác bảo vệ tài sản máy móc. Công đoàn tổ chức huy động quần chúng đấu tranh giữ máy. Anh em đã tìm cách đánh tráo và cất giấu các bộ phận máy quý, phá hỏng máy quấy bùn để làm giảm năng lực sản xuất và làm hỏng cần cẩu vòng để địch không có phương tiện chuyển hàng đi Nam. Cuối năm 1954 đến tháng 2- 1955, công nhân nhà máy đã tổ chức hai cuộc đấu tranh lớn, có trên 2 nghìn công nhân tham gia đấu tranh giữ máy và chống giãn thợ. Địch huy động binh lính đến đàn áp. Nhưng trước sức đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, địch buộc phải nhượng bộ. Không phá hoại được ở nhà máy chính, bọn địch âm mưu di chuyển một số máy ở nhà máy đá Tràng Kênh (một bộ phận của nhà máy xi măng). Cuộc đấu tranh của công nhân mỏ đá Tràng Kênh được sự chi viện của bà con nông dân quanh vùng kéo dài hằng tháng đã thắng lợi. 

Cảng Hải Phòng, địch lấy tàu Đơ-giéc-mông và tàu Sê-nu không được, chúng cho ca nô đến Ty hải đăng kéo tàu Lơ-gan, anh em đấu tranh giữ lại. Địch cho một đại đội Âu Phi đến tháo máy ở xưởng, công nhân ta thuyết phục được bọn công binh địch. Địch lại cho tháo các phao đèn biển, cuộc đấu tranh diễn ra liên tục trong nhiều ngày, ta yêu cầu Ủy ban quốc tế đến tại chỗ giải quyết, buộc chúng phải chịu. Trước khi rút lui, bọn chủ định quỵt tiền lương công nhân và cưỡng ép một số nhân viên kỹ thuật đi theo. Công nhân ta đấu tranh đòi chủ phải trả đủ tiền, gạo cho đến ngày ta tiếp quản giành giật với địch từng nhân viên kỹ thuật. Anh em còn tạo ra nhiều hầm hố cất giấu máy móc và giữ gìn nhiều tài liệu quan trọng phục vụ cho việc khôi phục cảng sau này. 

Ở xí nghiệp hỏa xa, địch đã 12 lần tổ chức cướp tài sản máy móc và hồ sơ tài liệu, hai lần quyết định sa thải 77 công nhân cũ, tuyển công nhân mới để cài chân tay vào xí nghiệp. Công nhân, nhân viên chức hỏa xa, được sự giúp đỡ của nhân dân khu phố, đã đấu tranh quyết liệt với địch. Các chiến sĩ tự vệ anh dũng đi đầu trong các cuộc đấu tranh của quần chúng. Ta đã bảo vệ được tài sản, chống âm mưu sa thải công nhân của chúng. 

(Còn nữa) 

Trích “Hải Phòng, lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược” (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - 1986).
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập