Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng (Kỳ 4)
Với sự có mặt đầy đủ các đồng chí trong Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Sài Gòn - Gia Định, trên cơ sở các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, B2 được tăng cường các cán bộ của Đoàn A.75 và đoàn cán bộ của Bộ Tổng tư lệnh, Sở Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh nhanh chóng hình thành.
Thời cơ lúc này đối với ta thuận lợi về nhiều mặt, cho phép nhanh chóng bắt đầu cuộc tổng công kích vào Sài Gòn. Tuy vậy, trong tình hình các đơn vị chủ lực lớn chưa vào hết chiến trường, Bộ Chính trị điện chỉ thị cho Bộ Tư lệnh chiến dịch chuẩn bị thêm trong ít ngày, chờ các quân đoàn vào đủ để có ưu thế tuyệt đối về lực lượng so với địch, bảo đảm đánh chắc thắng. Bức điện do đồng chí Bí thư thứ nhất ký tên, nói rõ: “Tôi đã bàn với anh Văn, nhận thấy cần chuẩn bị thêm mấy ngày nữa, đến khi phần lớn lực lượng của Quân đoàn 3 và Quân đoàn 1 (cả bộ binh và binh khí kỹ thuật) đến nơi sẽ bắt đầu cuộc tiến công lớn, chưa nên làm ngay bây giờ. Dù sao, thời gian mở màn chiến dịch chậm nhất là vào hạ tuần tháng 4-1975. Từ nay đến đó, cần đẩy mạnh hoạt động của các cánh quân, đặc biệt là cánh quân phía tây và tây nam, cắt đường số 4, bao vây chia cắt địch, làm cho chúng hoang mang, rối loạn, tạo điều kiện cho trận quyết định cuối cùng”.
Báo cáo của Bộ Tổng tham mưu cho biết các anh ở chiến trường đồng ý với những ý kiến đề xuất của tổ thường trực về phương án tác chiến giải phóng Sài Gòn. Sự nhất trí giữa phía trước và phía sau về vận dụng nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời điểm quyết định của chiến tranh làm tăng thêm niềm tin tất thắng. Trên tinh thần đó, bức điện của Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Kế hoạch tiến công toàn diện cần bảo đảm một khi đã phát động thì phải tiến công thật mạnh và liên tục, dồn dập đến toàn thắng, vừa phát động tiến công ở ngoại vi, vừa có lực lượng sẵn sàng nắm thời cơ thọc sâu vào trung tâm Sài Gòn từ nhiều hướng, thực hiện từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào, tạo điều kiện cho đồng bào nổi dậy. Trong tình hình hiện nay, thần tốc, táo bạo, bất ngờ là ở chỗ đó. Cần có dự kiến và chuẩn bị đối phó với tình huống cuộc chiến đấu có thể kéo dài một thời gian”. Chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị, Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch tác chiến trên cơ sở phương án cũ đã được Trung ương Cục thông qua. Tinh thần là tránh những xáo trộn không cần thiết, các lực lượng B2 vốn quen thuộc chiến trường đảm nhiệm các hướng có địa hình phức tạp, dành những hướng gần nhất ở phía bắc và phía đông cho các lực lượng từ xa đến. Mặt khác, lệnh cho các đơn vị của Quân khu 8, Quân khu 9, các đơn vị đặc công, biệt động vùng ven và trong nội thành liên tiếp đánh địch, áp sát thành phố Cần Thơ và các con đường huyết mạch, nhất là đường số 4 từ Sài Gòn xuống đồng bằng sông Cửu Long. Quân và dân Nam bộ hừng hực khí thế tiến công, phát huy sức mạnh tổng hợp của ba mũi quân sự, chính trị và binh vận cùng giáp công, giải phóng một số khu vực quan trọng, nối liền các căn cứ “lõm” ở Long An, Gò Công, Bến Tre, Mỹ Tho, mở ra những hành lang từ Đông Nam bộ sang Tây Nam bộ, làm chủ các đường giao thông quan trọng. Vừa tác chiến vừa xây dựng lực lượng, một số tỉnh và huyện thành lập được thêm nhiều tiểu đoàn, đại đội địa phương, nhiều xã đã có đội du kích. Đặc biệt ở phía tây nam Sài Gòn, nơi có địa hình sình lầy, trống trải, bộ đội và nhân dân đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn, đánh thông hành lang Tây Ninh - Kiến Tường, làm chủ một phần sông Vàm Cỏ Tây, mở ra một vùng giải phóng, lót sẵn lương thực, đạn dược, tạo thế rất thuận lợi cho một bộ phận của Đoàn 232 tiến công vào Sài Gòn. Ở hướng tây nam, Bộ Tư lệnh quyết định tiến công vào thị trấn Thủ Thừa và thị xã Tân An, không đánh chiếm Mộc Hoá như trong kế hoạch cũ. Trận đánh không thành công vì quân địch đã phòng bị sẵn. Quân ta chuyển sang đánh quân địch phản ứng, quét hệ thống đồn bốt của địch ở bắc đường số 4, gây cho địch nhiều thiệt hại. Ở phía tây bắc, Sư đoàn 25 ngụy bị đánh mạnh, buộc phải phân tán đối phó, không co được về giữ ven đô.
Thế trận tại chỗ đã bày xong.
Ngày 22-4, lần cuối cùng, kế hoạch tiến công Sài Gòn - Gia Định được Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh thông qua và phê duyệt.
(Còn nữa)
Trích Chương 9 hồi ức “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.