Xây dựng Hải Phòng trở thành động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước: Phát huy tiềm năng, lợi thế vượt trội của thành phố Cảng (Kỳ 4)
(HPĐT)- Nỗ lực thực hiện, thu nhiều kết quả quan trọng bước đầu, song liên kết, hợp tác kinh tế giữa thành phố với các tỉnh, thành phố trong Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước chưa đạt hiệu quả cao như kỳ vọng; vai trò dẫn dắt, lan tỏa của Hải Phòng chưa được khẳng định rõ. Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến thực trạng này, trong đó có việc nhiều tiềm năng, lợi thế của thành phố chậm được khai thác, phát huy để thúc đẩy kinh tế Hải Phòng và các địa phương bạn cùng tiến mạnh.

Hải Phòng đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế xanh để tạo sự khác biệt, nổi trội, dẫn dắt các địa phương khác trong vùng cùng thực hiện. Trong ảnh: Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C được định hướng phát triển sinh thái. Ảnh: LÊ DŨNG
Kỳ 4: Cần khẳng định rõ hơn vai trò đầu tàu, dẫn dắt
Vị trí trung tâm, “đầu tàu” phát triển chưa rõ nét
Đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, lãnh đạo thành phố nêu rõ, liên kết về hợp tác kinh tế của thành phố với các địa phương trong Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước vẫn mang tính hình thức, đơn lẻ, tự phát, hiệu quả chưa cao. Thế mạnh của Hải Phòng về cảng cửa ngõ quốc tế trong tam giác phát triển kinh tế Hà Nội- Hải PhòngQuảng Ninh chưa thực sự được phát huy tốt. Liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp trong vùng chưa sâu rộng; chưa hình thành các cụm liên kết ngành của vùng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu, chưa tạo được động lực khuyến khích đối với các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cùng với đó, theo TS Nguyễn Văn Thuận, nguyên Bí thư Thành ủy, đối với một số chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra, mang tính nền tảng như chuyển đổi kinh tế xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, thành phố chưa xác định đây là vấn đề sống còn, yêu cầu thúc bách trong hội nhập kinh tế quốc tế. Nhất là khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, các nước dựng lên nhiều “hàng rào” kỹ thuật, trong đó có “hàng rào” về bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí thải các-bon trong quá trình sản xuất hàng hóa để cạnh tranh “chỗ đứng” trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chỉ khi thành phố chú trọng yếu tố này mới tạo sự khác biệt, nổi trội của riêng Hải Phòng cũng như dẫn dắt các địa phương khác trong vùng cùng thực hiện.
Mặt khác, kết cấu hạ tầng của Hải Phòng còn thiếu tính đồng bộ nên chưa phát huy đầy đủ lợi thế về 5 loại hình giao thông- vốn là ưu thế khác biệt so với các tỉnh, thành phố trong vùng. Một số công trình kết nối lớn triển khai chậm hoặc chưa được triển khai, như cao tốc giữa các địa phương ven biển, tuyến đường sắt Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng, đường sắt kết nối cảng Đình Vũ- Lạch Huyện. Đầu tư phát triển, khai thác các tuyến đường thủy nội địa còn hạn chế, chưa tương xứng tiềm năng, chỉ đáp ứng được nhu cầu rất nhỏ và chưa hỗ trợ được nhiều cho vận chuyển hàng hóa. Hải Phòng là trung tâm dịch vụ cảng biển, hàng hải và vận tải biển của cả nước, nhưng so với yêu cầu phát triển, tốc độ đầu tư hạ tầng cảng biển vẫn chậm, hạ tầng logistics và dịch vụ hậu cần sau cảng còn yếu và thiếu. Vai trò là thành phố cảng, trung tâm dịch vụ logistics mang tầm quốc gia và cửa chính ra biển của các tỉnh khu vực phía Bắc chậm phát huy; vị trí trọng yếu trên hành lang kinh tế Việt Nam- Trung Quốc chưa rõ nét.

Nhà máy xử lý nước thải tập trung nhìn từ trên cao tại Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền. Ảnh: HỒNG ĐIỆP
Trong phát triển liên kết vùng, hiện nay Trung ương vẫn thiếu cơ chế, chính sách, nhất là trong hợp tác phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng, nên tính liên kết giữa Hải Phòng và các địa phương trong vùng còn hạn chế, khả năng huy động nguồn vốn và chia sẻ trách nhiệm đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng liên vùng chưa cao. Thể chế quản lý, đầu tư, xây dựng, khai thác cảng biển chậm được đổi mới theo sự phát triển của cơ chế thị trường, do đó gây khó khăn trong huy động vốn cũng như tăng hiệu quả khai thác, kết nối nguồn hàng từ các chuỗi giá trị toàn cầu. Theo TS Vũ Thành Tự Anh, do chưa gắn kết được với các địa phương trong vùng, Hải Phòng chưa làm nổi bật được rõ vị trí của thành phố là trung tâm phát triển thứ hai của vùng Bắc bộ và trung tâm phát triển thứ ba của cả nước, chưa khẳng định được vai trò dẫn dắt trong phát triển kinh tế vùng.
Tại Hội nghị lần thứ 4 của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng ngày 17-8-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng nhấn mạnh: Phải đổi mới tư duy điều phối, chú trọng hơn nữa tới vai trò liên kết, kết nối của Vùng đồng bằng sông Hồng đối với các vùng lân cận theo tinh thần “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân”, “chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh”. Trên tinh thần đó, chủ động nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy liên kết, phát triển vùng, phát huy các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng.
Cơ chế chưa đủ mạnh, chậm chuyển hóa ưu tiên thành nguồn lực
Trên thực tế, từ khi Hải Phòng bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, nhất là từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, tình hình quốc tế, khu vực và trong nước có nhiều biến động phức tạp, khó lường, xuất hiện nhiều yếu tố mới, chưa từng có tiền lệ như đại dịch COVID-19, ảnh hưởng nặng nề tới các mặt của đời sống kinh tế-xã hội; các xung đột địa chính trị gây tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, kinh tế đất nước và các địa phương. Hải Phòng là địa phương có “độ mở” kinh tế lớn nên càng chịu nhiều tác động. Giá nguyên, nhiên, vật liệu các ngành sản xuất công nghiệp-xây dựng khan hiếm, tăng cao; tỷ giá ngoại tệ, lãi suất tín dụng biến động mạnh và áp lực cạnh tranh gay gắt gây khó khăn cho các nhà sản xuất và các dự án đầu tư của thành phố. Trong khi đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ, phù hợp và thiếu đồng bộ, thay đổi nhiều; các hướng dẫn, quy định của pháp luật chưa kịp thời, nhất là pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Các yếu tố trên ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của Hải Phòng, đến nguồn lực thúc đẩy tiến trình hợp tác, liên kết vùng.
Mặt khác, theo các chuyên gia, các cơ chế, chính sách đặc thù cho Hải Phòng chưa đủ mạnh, tương xứng yêu cầu phát triển của thành phố; chưa thực sự vượt trội để tạo được sự chuyển biến căn bản, đột phá trên thực tế, chưa tạo ra cú hích, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước để tạo động lực tăng trưởng mới cho thành phố. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc đầu tư và hỗ trợ của Trung ương cho thành phố còn hạn chế so với mục tiêu Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đề ra. “Tôi cho rằng việc thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng đã được các bộ, ngành Trung ương quan tâm, nhưng triển khai còn chậm nên các ưu tiên, ưu đãi chưa chuyển hóa thành nguồn lực cho phát triển, vì thế Hải Phòng cơ bản vẫn phát triển với cơ chế phân bổ nguồn lực thông thường như các địa phương khác. Bên cạnh đó, chưa tận dụng được tối đa lợi thế và sự khác biệt, thiếu các cơ chế, chính sách có tính đột phá rõ nét, nhất là chưa xác định rõ và hoàn thiện mô hình, thể chế, điều kiện, nguồn lực để thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm công nghiệp, trung tâm hội nhập quốc tế của cả nước”. Lẽ ra, một số cơ chế, chính sách mới có tính đột phá, đặc thù cho Hải Phòng được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương, như: Thành lập Khu thương mại tự do, nghiên cứu mô hình cơ quan quản lý cảng, trong đó đẩy mạnh phân cấp cho địa phương… phải được triển khai tổ chức thực hiện ngay kể từ khi Nghị quyết 45 được ban hành, mới tạo sự vượt trội về phát triển kinh tế của Hải Phòng để khẳng định vai trò dẫn dắt trong phát triển kinh tế vùng- PGS.TS Trần Đình Thiên phân tích. Mặt khác, cơ chế, chế tài về hợp tác, phối hợp vùng chưa đủ mạnh và hiệu quả; công tác điều phối trong liên kết, hợp tác vùng của Trung ương chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Việc Trung ương xác định địa phương đóng vai trò cửa ngõ chính ra biển của miền Bắc chưa rõ ràng, nên chưa tập trung đầu tư hoặc đầu tư dứt điểm cho các cảng biển cũng như các công trình đầu mối giao thông khác trên địa bàn Hải Phòng. Thậm chí, một số công trình thuộc sự quản lý của Trung ương, nhưng thành phố phải đầu tư để kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương và vùng (như một số hạng mục của Cảng hàng không quốc tế Cát Bi trong từng giai đoạn cụ thể). Trong khi đó, nguồn lực của Hải Phòng còn hạn chế; cơ chế, chính sách thu hút đầu tư hiện đại hóa hệ thống đường sắt, đường sắt đô thị, đường bộ và đường biển, cảng hàng không chưa được Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm đúng mức...
Những vướng mắc, khó khăn mang tính chủ quan cần được sớm tháo gỡ, khắc phục, tạo điều kiện để Hải Phòng bứt phá phát triển nhanh hơn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, vai trò đối với vùng và cả nước
Kỳ cuối: Thêm cơ chế vượt trội, đột phá để “cất cánh”