Cùng quyết tâm, hành động để xây nhà ở xã hội

04:16 CH 29/11/2022

Khu chung cư Đồng Quốc Bình (quận Ngô Quyền).

 

(HPĐT)- Tại hội nghị tiếp xúc cử tri quận Kiến An sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 15 của Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, cử tri Đoàn Thị Vân Anh (Liên đoàn Lao động quận) bày tỏ mong muốn Quốc hội, thành phố tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy nhanh dự án xây dựng nhà ở cho công nhân, lao động. Ghi nhận ý kiến cử tri, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng khẳng định, thành phố luôn xác định xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, công nhân, người lao động là nhiệm vụ quan trọng, quan tâm và nỗ lực thực hiện.

Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố xác định 3 trụ cột phát triển kinh tế Hải Phòng: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - dịch vụ. Đối với phát triển công nghiệp, từ nay đến năm 2025, Hải Phòng dự kiến mở thêm 15 khu công nghiệp, do vậy nhu cầu nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao rất lớn. Vì thế, việc bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống người lao động, trong đó có nhà ở trở thành một trong những giải pháp hữu hiệu, then chốt để thu hút và giữ chân người lao động. Đây là phần quan trọng trong kế hoạch nhằm hiện thực hóa mục tiêu, xây dựng và phát triển Hải Phòng nhanh và bền vững. 

Được biết, theo Quyết định số 2455/QĐ-UBND của UBND thành phố về việc phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở năm 2022, thành phố dành 433,19 ha đất để phát triển dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại 49 vị trí. Trong đó, quận Hải An có 5 dự án, huyện Tiên Lãng có 4 dự án, huyện An Dương có 4 dự án, huyện An Lão có 5 dự án, huyện Thủy Nguyên có 6 dự án, quận Ngô Quyền có 2 dự án, quận Lê Chân có 2 dự án...; cùng 18 vị trí phát triển nhà ở xã hội theo quy hoạch tại các khu, cụm công nghiệp. Nguồn vốn xây dựng nhà ở xã hội từ vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng ưu đãi, Ngân hàng Chính sách xã hội,... Chủ trương của thành phố rất rõ ràng, tuy nhiên, theo lãnh đạo một số địa phương, việc triển khai còn khó khăn do cơ chế ưu đãi, hỗ trợ về thuế, đất đai, thủ tục đầu tư chưa đủ khuyến khích, đồng thời còn vướng mắc ở khâu đền bù giải phóng mặt bằng...

Để xây dựng, phát triển nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu của người dân nói chung, công nhân nói riêng, nhất là đáp ứng mục tiêu thu hút lao động nhập cư, bảo đảm nguồn cung ứng lao động- một trong các yếu tố tiên quyết thu hút các nhà đầu tư, đòi hỏi quyết tâm cao, hành động quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương và sự tham gia của doanh nghiệp, người dân. Cụ thể, các sở, ngành, địa phương cần tham mưu thành phố ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ về thuế, đất đai, các thủ tục đầu tư; các doanh nghiệp thấy được trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm an sinh, giúp người lao động yên tâm làm việc, cũng là phục vụ chính hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm lợi cho đơn vị. Người dân đồng thuận, ủng hộ sự phát triển chung của thành phố, thể hiện cụ thể bằng việc góp phần sớm giải phóng mặt bằng để nhanh chóng triển khai các dự án nhà ở xã hội. Với sự quyết tâm cao từ chủ trương đến hành động từ thành phố đến cơ sở như vậy, các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn mới sớm được triển khai, đáp ứng nhu cầu người dân và mục tiêu phát triển của thành phố trong tương lai./.