Giỏi việc nước, đảm việc nhà
Nữ công nghân viên chức, lao động thành phố
Nữ công nhân Công ty Fujikura Composites, khu công nghiệp Nomura Hải Phòng trong ca sản xuất. Ảnh: Đỗ Hiền
Say mê sáng tạo
Ở Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ thành phố), ai cũng biết chị Bùi Thị Hồng, Phó Phòng Công nghệ sinh học. Tháng 5-2019, chị Hồng là một trong những đoàn viên công đoàn vinh dự được tặng Bằng Lao động sáng tạo với giải pháp sáng kiến “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật nhân giống 2 loài lan dược liệu” (lan kim tuyến và lan thạch hộc tía) tại Hải Phòng. Đây là hai loài lan được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam về quản lý thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm sử dụng trong y học điều trị cho người mắc ung thư. Thực tế, 2 loài lan dược liệu này đang có nguy cơ bị tuyệt chủng, mọc rải rác, số lượng không nhiều, khả năng tái sinh thấp. Vì vậy, việc bảo tồn 2 loài lan này trong tự nhiên để đáp ứng nguồn dược liệu cho y học thì nhiệm vụ nhân giống 2 loài lan này là cần thiết. Từ tính cấp thiết của việc bảo vệ và nuôi cấy hai giống lan này, chị Hồng xây dựng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật phù hợp với điều kiện địa phương. Mô hình ứng dụng nhân giống 3000 cây lan kim tuyến và 5688 cây lan thạch hộc tía tại vườn quốc gia Cát Bà làm lợi hơn 250 triệu đồng. Qua đó, bảo tồn được nguồn gen cây dược liệu quý hiếm trong nghiên cứu và sản xuất. Sáng kiến của chị Hồng vừa tạo thêm mô hình phát triển kinh tế mới trong cộng đồng địa phương, vừa kết hợp được việc phát triển sản xuất với các hoạt động bảo tồn rừng, hạn chế tối đa việc khai thác tự nhiên, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng. Còn chị Lê Thị Đức, Phó Phòng Chuyển giao Kỹ thuật Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vinh dự được tặng Bằng Lao động sáng tạo với giải pháp sáng kiến nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế sản phẩm đặc trưng ổi thị trấn huyện Vĩnh Bảo. Xuất phát từ mục tiêu bảo đảm thu nhập của người trồng ổi tại thị trấn Vĩnh Bảo, duy trì và phát triển sản phẩm đặc thù của địa phương, chị Đức nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng phân bón sinh học, phân bón NPK thế hệ mới, áp dụng quy trình sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời giới thiệu đơn vị bao tiêu sản phẩm giúp nâng cao năng suất, chất lượng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sao khi thực nghiệm, giải pháp của chị Đức được áp dụng tại thị trấn Vĩnh Bảo (huyện Vĩnh Bảo) trên quy mô 10ha/15 hộ. Kết quả cho thấy, cây sinh trưởng tốt, năng suất tăng 10-15%. Việc liên kết với các cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố để thu mua sản phẩm cho nông dân với giá cao hơn tại các vùng sản xuất ổi khác từ 5.000-10.000đ/kg; lợi nhuận đạt cao hơn so với sản xuất đại trà. Không chỉ chị Hồng, chị Đức, mỗi năm, hệ thống công đoàn thành phố giới thiệu hàng chục chị em có những sáng kiến, sáng tạo góp phần cải thiện năng suất lao động. Tùy theo mỗi ngành, nghề, đặc thù hoạt động của đơn vị, các nữ CNVCLĐ thành phố vừa gương mẫu trong công việc, vừa ham sáng tạo giúp làm lợi cho đơn vị, doanh nghiệp hàng tỷ đồng góp một phần xây dựng và phát triển thành phố.
“Tròn cả hai vai”
Ngoài phong trào thi đua lao động sáng tạo, phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” là phong trào xuyên suốt của hoạt động nữ công các cấp công đoàn trong những năm qua. Theo đó, chị em trong lĩnh vực thương mại dịch vụ liên tục mở rộng thị trường, trao đổi hàng hóa tới các vùng nông thôn trong và ngoài thành phố. Nhiều chị được Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam tặng bằng Lao động sáng tạo, được Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tặng giải thưởng Bông hồng vàng, được thành phố tặng giải thưởng Lê Chân. Trong đó có những người như chị Nguyễn Bích Hòa, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Minh Khai; chị Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch HĐQT công ty muối Khánh Vinh... Nữ cán bộ giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục và Đào tạo tích cực hưởng ứng phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” và các cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương sáng cho học sinh noi theo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Trong 10 năm (2010-2020), có 20.132 nữ nhà giáo của Hải Phòng có sáng kiến kinh nghiệm, 17 chị được tặng Bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Cùng với đó, nữ CNVCLĐ ngành Y tế dũng cảm đối mặt với những khó khăn chung của toàn ngành trong bối cảnh cơ sở vật chất còn hạn chế, dịch bệnh nguy hiểm, khả năng lây lan nhanh bùng phát như COVID-19... Các chị tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Nâng cao y đức người cán bộ y tế” và “Lao động sáng tạo” học tập nâng cao trình độ, nghiên cứu ứng dụng khoa học với nhiều đề tài, giải pháp được ứng dụng trong thực tiễn như chị Đỗ Thị Hải, Trưởng khoa hỗ trợ sinh sản bệnh viện Phụ sản; chị Cao Thị Bích Hạnh, Trưởng khoa gây mê hồi tỉnh bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp… Không chỉ đảm đương và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao tại các cơ quan, đơn vị, nữ CNVCLĐ thành phố còn không ngừng rèn luyện tu dưỡng đạo đức, gìn giữ phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam, vượt qua khó khăn để xây dựng mái ấm gia đình, nuôi dạy con khỏe, dạy con ngoan, tạo nguồn nhân lực phát triển kinh tế xã hội của thành phố và đất nước. Thành phố có 818 học sinh đạt giải cấp quốc gia, 17 huy chương quốc tế. Thành tích mà các học sinh có được ngoài sự cố gắng nỗ lực của bản thân còn có công lao to lớn, chăm sóc, dạy dỗ của những người mẹ trong gia đình. Như Phó chủ tịch LĐLĐ thành phố Đào Thị Huyền khẳng định trong Báo cáo tổng kết 10 thực hiện Nghị quyết 6b về công tác vận động nữ CNVCLĐ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Chỉ thị 03/CT-TLĐ về phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ (2010 - 2020), vai trò, năng lực của mỗi chị em ngày càng trưởng thành và phát huy theo tiêu chí chuẩn mực người phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước.
Hải Phòng hiện có hơn 173 nghìn đoàn viên công đoàn nữ, chiếm tỷ lệ 62% tổng số đoàn viên toàn thành phố. Nữ CNVCLĐ có việc làm ổn định, điều kiện làm việc từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đạt khoảng 6,9 triệu đồng/người/tháng. Trình độ chuyên môn, chính trị, ngoại ngữ, tin học, tay nghề của nữ CNVCLĐ ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Hằng năm, hơn 85% nữ CNVCLĐ khu vực hành chính sự nghiệp đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, hơn 65% nữ CNLĐ khu vực sản xuất kinh doanh đạt danh hiệu; nhiều nữ CNVCLĐ được chính quyền, chuyên môn, công đoàn các cấp biểu dương, khen thưởng.