Hội nữ doanh nhân Hải Phòng: Chung tay hỗ trợ người khuyết tật, cơ nhỡ
Các anh: Phạm Xuân Thành, Phan Xuân Lâm thực hiện công đoạn vẽ viền vàng sản phẩm đĩa sứ. Ảnh: Hiểu Lam
(HPĐT)- Tích cực giải quyết việc làm đối với người khuyết tật; hỗ trợ nhiều trẻ mồ côi học tập và bảo đảm sinh hoạt đến năm 18 tuổi…, là những hoạt động hiệu quả được Hội Nữ doanh nhân Hải Phòng thực hiện, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm thiểu tình trạng người ăn xin, lang thang trên địa bàn.
Tạo môi trường thuận lợi
Chị Đàm Thị Giang, sinh năm 1988, ở xã Lâm Động (huyện Thủy Nguyên) bị dị tật bẩm sinh, sức khỏe yếu nên không xin được việc làm. Đồng cảm, chia sẻ với khó khăn của chị Giang, Công ty TNHH quốc tế Queen (huyện Thủy Nguyên) tạo điều kiện để chị học nghề thêu thủ công miễn phí tại doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng trong suốt thời gian học. Sau khi ra nghề, chị Giang nhận mức lương khoảng 6 triệu đồng/tháng. Ngoài chị Giang, tính đến thời điểm này, công ty hỗ trợ dạy nghề thêu thủ công miễn phí đối với hơn 10 phụ nữ khuyết tật và phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi học xong, người nào có nhu cầu sẽ được công ty nhận làm việc tại doanh nghiệp.
Tại Công ty sứ nghệ thuật HDC ở phường Anh Dũng (quận Dương Kinh), một số người khuyết tật bị khiếm thính hoàn toàn, như các anh: Phạm Xuân Thành, sinh năm 1984, ở phường Đông Khê; Phan Xuân Lâm, sinh năm 1994, ở phường Lương Khánh Thiện (cùng quận Ngô Quyền) được công ty nhận dạy nghề miễn phí. Ngoài ra, họ còn được nhận hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng từ công ty trong suốt thời gian học nghề (từ tháng 3 đến tháng 10-2023). Từ tháng 11-2023, anh Thành và anh Lâm chính thức hưởng mức lương khởi điểm 7,5 triệu đồng/tháng. Anh Phạm Xuân Thành bộc bạch: “Qua công việc, tôi thấy lạc quan, tự tin vào bản thân hơn”.
Trên đây là 2 trong số nhiều cơ sở của hội viên Hội Nữ doanh nhân Hải Phòng tích cực hỗ trợ người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn học nghề hoặc khởi nghiệp. Một số hội viên nhận dạy nghề miễn phí đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi và những người có hoàn cảnh khó khăn như: Trang sức Calista, Học viện tóc Văn Sáu và Trang Spa (quận Hồng Bàng)... Các học viên được hưởng lương trong quá trình học nghề và tỷ lệ học viên lựa chọn ở lại làm việc sau khi học nghề đạt 90%.
Nhận đỡ đầu hàng trăm trẻ mồ côi
Cùng với hoạt động dạy nghề, khởi nghiệp, hội viên Hội Nữ doanh nhân Hải Phòng còn đi đầu trong thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu” nhằm hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Đến thời điểm này, Hội nhận đỡ đầu 165 trẻ. Mỗi trẻ được hỗ trợ từ 500 nghìn đồng đến 3,5 triệu đồng/tháng. Các mẹ đỡ đầu còn tặng quà các con nhân ngày: Tết Thiếu nhi 1-6, Trung thu, năm học mới, Tết Nguyên đán, với tổng kinh phí hàng tỷ đồng/năm. Trong đó, nhiều nữ doanh nhân còn nhận đỡ đầu các con đến năm 18 tuổi. Hội còn kêu gọi các nữ doanh nhân là người Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài tham gia chương trình.
Hội viên Nguyễn Thị Hải Yến, Giám đốc Công ty TNHH Bách hóa sạch 2S (huyện An Dương) thông tin: Chị nhận đỡ đầu 3 trẻ và kết nối thêm một số bạn bè, người thân cùng tham gia hoạt động thiện nguyện này. Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân Hải Phòng Nguyễn Thị Minh Hà khẳng định: Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, tạo việc làm đối với người khuyết tật, người yếu thế và tuyên truyền rộng rãi hơn về chương trình “Mẹ đỡ đầu” để có thêm nhiều trẻ mồ côi được giúp đỡ.
Khi người khuyết tật được học nghề, có việc làm phù hợp với khả năng, họ thêm tự tin, hòa nhập hơn với cộng đồng và xã hội. Đây cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần kéo giảm tình trạng người lang thang xin ăn, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố./.