Những “hạt giống đỏ” nảy mầm trên đất mới

09:20 SA 12/10/2023

 

 

Lễ khánh thành Trường mầm non Hoa Phượng Đỏ tại xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) do thành phố Hải Phòng tài trợ. 

 

(HPĐT)- Cùng với khai hoang mở đất, những người con của thành phố Cảng Hải Phòng mang truyền thống gia đình và quê hương, tích cực học tập rèn luyện, gieo mầm trên lĩnh vực văn hóa, tạo nguồn cán bộ xuất thân Công - Nông đáp ứng yêu cầu công tác của tỉnh.

 

Mở đất đồng hành cùng gieo chữ

Năm 1967, tôi được điều về dạy lớp cấp 3 đầu tiên tại Trường Bổ túc văn hóa Công - nông Lào Cai. Cùng với những học sinh các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, Dáy, Xa phó, Pa dí, Tu dí, Thu lao, là những học sinh quê miền xuôi, số đông là người đất Cảng Hải Phòng. Ấn tượng về những học sinh trên, các em là con các cán bộ cơ sở nòng cốt từ Kiến An - Hải Phòng lên xây dựng và phát triển kinh tế - văn hóa tại Lào Cai. Họ được tuyển chọn vào trường, học cùng học sinh các dân tộc để tạo nguồn cán bộ xuất thân công - nông đáp ứng yêu cầu công tác của tỉnh. Lớp học sinh này là những “hạt giống đỏ”, vốn quý của địa phương và chính vì mang truyền thống gia đình, quê hương, họ tích cực học tập rèn luyện và đạt kết quả tốt. Đơn cử, các anh Nguyễn Sĩ Phiu, Phạm Văn Mạc là thanh niên từ Hải Phòng xung phong lên xây dựng Nông trường Phú Xuân, có thành tích xuất sắc, được kết nạp vào Đảng và được cử đi học văn hóa. Các em Lê Thanh Hải, Trần Văn Trường, Phạm Thị Gọn, Phạm Thị Sửu, Nguyễn Thị Nết và một số học sinh khác cùng bố mẹ là cán bộ cơ sở nòng cốt từ Kiến An - Hải Phòng lên Lào Cai xây dựng và phát triển kinh tế - văn hóa.

 

Cùng với đó, suốt mấy năm đầu thập niên 60 thế kỷ trước, Hải Phòng cử các đoàn giáo viên lên dạy học tại Lào Cai. Anh Lương Ngọc Xuân là cán bộ tổ chức Ty Giáo dục Lào Cai nhớ lại: Một ngày hè năm 1964, trong chuyến công tác, làm việc với Sở Giáo dục Hải Phòng, anh đề xuất muốn đến tận nhà một số giáo viên mới, để thăm hỏi gia đình và giới thiệu về Lào Cai. Sau khi nghe anh Xuân nêu ý kiến, anh Phan Kim Thiệp quê ở Kiên Minh, Tiên Lãng, vừa tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm, đang chờ phân công công tác không đắn đo bày tỏ “ Em đồng ý đi Lào Cai”. Đến quê hương thứ hai, mấy năm đầu thầy giáo Phan Kim Thiệp dạy cấp 1 tại xã Dền Thàng, huyện Bát Xát. Không ngại khó khăn, nhiệt huyết với nghề, thầy Phan Kim Thiệp một mình một trường, ngày dạy trẻ em, đêm dạy xóa mù chữ. Được lãnh đạo địa phương, ngành tín nhiệm, sau đó anh được bố trí về giảng dạy tại trường cấp 2 Cốc Mì, rồi về công tác tại Ty Giáo dục Lào Cai, gắn bó với ngành từ đó đến nay.

 

Bên cạnh đó là nhà giáo Nguyễn Tiến Tuân dạy học nhiều năm tại A Mú Sung, huyện Bát Xát. Không chỉ dạy các em học sinh tại địa phương tiếng Kinh, để hiểu phong tục tập quán, gắn bó với người dân nơi đây, thầy Tuân còn học hỏi và nói thạo tiếng Mông, tiếng Dao, khiến bà con xem như người trong nhà.

 

Đóng góp tri thức xây dựng quê hương thứ 2

Trong quá trình giảng dạy và sau này làm công tác quản lý, tôi được chứng kiến nhiều “quả ngọt” mà những học sinh ưu tú, những đồng nghiệp đất Cảng mang lại cho tỉnh Lào Cai trên mặt trận tư tưởng, trí thức. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh Nguyễn Sĩ Phiu đi học Đại học Sư phạm Việt Bắc, rồi trở về giảng dạy, trở thành Hiệu trưởng Trường cấp 3 Sa Pa. Anh Phạm Văn Mạc và hai bạn người dân tộc cùng lớp đi học Đại học Báo chí tại Trường Tuyên huấn Trung ương, trở thành 3 phóng viên báo đầu tiên của Lào Cai được đào tạo Đại học báo chí.

 

Bên cạnh đó, các nhà giáo Phạm Quang Đối, Hà Văn Thực đang dạy ở Thủy Nguyên, năm 1962 xung phong lên Lào Cai, được phân công lên khu Cao Sơn. Thầy Đối đi tiếp lên La Pan Tẩn - địa danh có nghĩa là Cái ghế đá, cao chênh vênh giữa trời mây. Thầy Đối vận động nhân dân xẻ gỗ đóng bàn ghế, tổ chức lớp bán trú, mở lớp xóa mù chữ dưới vườn đào, gắn bó với dân, với học trò. Thầy cùng đồng nghiệp xây dựng mô hình ký túc xá, tổ chức lớp bán trú, chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho các em chuyên tâm học hành. Thầy còn là cộng tác viên của Báo Lào Cai đổi mới và báo Người Giáo viên Nhân dân. Hay như nhà giáo Nguyễn Văn Vãn, quyết chí học hành rèn luyện, thầy học Đại học Sư phạm Việt Bắc, trở về dạy học tại Trường cấp 3 Sa Pa, rồi đảm nhiệm Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

 

Có một bông hoa tỏa hương nơi đất rừng Xuân Giao, huyện Bảo Thắng là nhà giáo Lã Thị Tuế. Người nữ đoàn viên này trở thành cô giáo mẫu giáo xuất sắc, nhận nhiệm vụ nhân rộng phong trào toàn xã, đưa Xuân Giao trở thành lá cờ đầu của phong trào Giáo dục Mẫu giáo - Vỡ lòng của tỉnh, rồi thành điểm điển hình nổi bật của Giáo dục Mẫu giáo - Vỡ lòng nông thôn toàn miền Bắc.

 

Ngày nay, sự nghiệp giáo dục - đào tạo từ bậc học mẫu giáo đến các cấp học của tỉnh Lào Cai phát triển mạnh mẽ. Những giá trị tốt đẹp của miền xuôi miền núi gặp nhau và nhân lên. Đó là công cuộc phát triển kinh tế - văn hóa đã đem lại kết quả rực rỡ 60 năm qua và sẽ tiếp tục phát huy ý nghĩa trong công cuộc đổi mới quê hương đất nước./.