Sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
(HPĐT)- Tại cuộc làm việc của Thường trực Thành ủy với Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Kiến Thụy mới đây, một số ý kiến nêu khó khăn trước việc huyện đang thiếu 177 giáo viên, nhất là bậc mầm non, tiểu học và đề xuất thành phố, các ngành liên quan có phương án hỗ trợ khắc phục. Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, thiếu giáo viên không chỉ xảy ra với riêng huyện Kiến Thụy, mà hiện là tình trạng chung của thành phố và cả nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, tình trạng thiếu giáo viên ở Hải Phòng thời điểm này chưa căng thẳng so với cả nước, tuy nhiên, tầm nhìn đến giai đoạn 2025- 2026, đây là vấn đề đáng báo động bởi khó khăn trong tìm nguồn để bù đắp.
Thông tin từ Sở Nội vụ, qua rà soát, tổng biên chế ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố hiện là 22.480 người, đang thiếu khoảng 1.880 giáo viên; dự kiến đến năm 2026, thành phố thiếu khoảng 4.500 giáo viên. Để bù đắp số lượng giáo viên còn thiếu, phải có nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên, thành phố chỉ có duy nhất địa chỉ đào tạo giáo viên là Trường đại học Hải Phòng; đến năm 2026, đơn vị này cũng chỉ đào tạo được khoảng 1.900 giáo viên, đáp ứng 42% so với nhu cầu, trong đó giáo viên bậc mầm non 63 người. Theo thống kê, năm 2021, Trường đại học Hải Phòng đào tạo được 7 giáo viên mầm non, 300 giáo viên tiểu học; năm 2022, nhà trường đào tạo được 13 giáo viên mầm non, 231 giáo viên tiểu học. Nguyên nhân khiến sinh viên không mặn mà với ngành học này bởi đặc thù công việc vất vả, chế độ lương, thưởng thấp...
Trước thực trạng trên, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ, chính quyền một số địa phương và Trường đại học Hải Phòng tìm giải pháp tháo gỡ. Lãnh đạo các sở, ngành liên quan cho biết, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Chính phủ ban hành Nghị định số 116 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Nhưng trên thực tế, nghị định này chưa được thực hiện trên toàn quốc vì “vướng” với Nghị định 115 của Chính phủ quy định tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Cụ thể, khi đào tạo giáo viên bằng nguồn ngân sách theo cơ chế “đặt hàng” thì phải tuyển dụng. Tuy nhiên, tuyển dụng có thể được hoặc không (do sinh viên khi ra trường không thích làm giáo viên hoặc không đáp ứng yêu cầu công việc...). trường hợp không tuyển dụng được, sinh viên đền bù khoản kinh phí hỗ trợ đào tạo như thế nào?...
Trong khi chờ đợi những giải pháp tầm vĩ mô, tại Hải Phòng, sau cuộc họp giữa các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan về vấn đề này, đơn vị chủ trì dự thảo báo cáo đề xuất Thành ủy, HĐND, UBND thành phố ban hành cơ chế, chính sách đặc thù riêng trong thu hút tuyển dụng giáo viên, nhất là bậc mầm non và tiểu học. Chẳng hạn, các địa phương “đặt hàng” Trường đại học Hải Phòng đào tạo giáo viên mầm non, trong đó có cơ chế hỗ trợ sinh viên theo học ngành sư phạm mầm non, sư phạm tiểu học, từ tuyển dụng đầu vào, quá trình đào tạo và sau khi tốt nghiệp bảo đảm có việc làm. Các ngành cũng đề xuất thành phố có cơ chế đãi ngộ thỏa đáng để thu hút người có bằng đại học sư phạm mầm non, tiểu học vào làm việc hoặc giáo viên bỏ nghề quay trở lại với công việc.
Xây dựng đội ngũ nhà giáo bảo đảm phẩm chất, năng lực là yếu tố có tính quyết định sự thành công của đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo. Mong các cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố sớm được ban hành, góp phần phát triển đội ngũ nhà giáo cả về quy mô, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ./.