Biết bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình
(HPĐT)- Tại tọa đàm “Hỗ trợ công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong việc chăm sóc và nuôi dạy con” được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố tổ chức mới đây, đại diện Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động thông tin, qua công tác giám sát việc thực hiện pháp luật lao động trong các năm 2023-2024 ở một số doanh nghiệp trên địa bàn cho thấy, nhiều doanh nghiệp thực hiện sai, không bảo đảm quyền lợi của người lao động. Nổi bật là thử việc không đúng thời hạn; trả lương không theo thang bảng lương xây dựng, đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về lao động.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp kéo dài thời gian thử việc đối với người lao động làm những công việc đơn giản, theo quy định không thử việc quá 6 ngày. Thường doanh nghiệp thử việc 1 tháng trở lên, ký lại nhiều lần hợp đồng thử việc, khiến người lao động thiệt thòi khi phải nhận mức lương thử việc thấp, chậm được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Trong trả lương người lao động, doanh nghiệp thường áp dụng 1 mức lương cơ bản để đóng BHXH, thường ở mức lương tối thiểu vùng, hoặc mức thấp nhất được doanh nghiệp quy định (chỉ cao hơn mức lương tối thiểu vùng một chút) cho khối lao động trực tiếp. Như vậy người lao động vẫn được đóng BHXH đầy đủ, nhưng khi nghỉ hưu sẽ hưởng mức lương rất thấp so với thời gian làm việc trong doanh nghiệp.
Để xảy ra như vậy, lỗi trước hết thuộc về doanh nghiệp, nhưng cũng có phần do người lao động “dễ dãi”, chưa thực sự quan tâm đến mức đóng BHXH của mình liên quan đến lương hưu sau này. Do đó, người lao động cần hiểu rõ và biết bảo vệ quyền lợi của chính mình bằng việc yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện trả lương và đóng BHXH theo đúng bậc lương mình được hưởng. Bên cạnh đó, hệ thống công đoàn có sự giám sát chặt chẽ để bảo đảm người sử dụng lao động thực hiện đóng BHXH đúng theo thang, bảng lương đã đăng ký, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho đoàn viên, người lao động.