Nên phân cấp, phân quyền hợp lý
(HPĐT)- Trước đây, công tác bảo trì sửa chữa nhà ở thuộc sở hữu nhà nước do Công ty TNHH MTV Quản lý và kinh doanh nhà đảm nhiệm. Kinh phí sửa chữa được trích từ khoản thu cho thuê nhà hằng năm. Từ năm 2023, sau khi có thay đổi về cơ chế tài chính, nhiệm vụ này được giao Sở Xây dựng thực hiện, bao gồm tất cả hạng mục từ sửa chữa, thay thế nhỏ như hỏng bóng đèn, vòi nước, thiết bị vệ sinh… đến các hạng mục lớn phải đục đẽo, gắn vá.
Theo đúng quy trình, các hạng mục cần sửa chữa phải có đơn đề nghị từ người dân nộp về Công ty TNHH MTV Quản lý và kinh doanh nhà thống kê gửi Sở Xây dựng tổng hợp, rà soát báo cáo thành phố, xây dựng kế hoạch sửa chữa, sau khi qua một loạt các thủ tục đấu thầu theo quy định mới triển khai. Để thực hiện đầy đủ các bước, thường công tác đấu thầu tận tháng 10 mới triển khai, nên chỉ có 2 tháng cuối năm để thi công. Từ đó dẫn đến việc chậm trễ, thiếu kịp thời, gây bức xúc trong các hộ dân đang thuê nhà. Cũng bởi vậy, năm 2023 có chuyện Sở Xây dựng phải trả lại nguồn kinh phí cấp cho công tác này do không bảo đảm tiến độ giải ngân. Trong khi nhà ở xuống cấp, thiết bị hỏng không được sửa chữa kịp thời, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hằng ngày của người dân.
Sau bão số 3, việc gia cố chung cư cũ xuống cấp nhằm bảo đảm an toàn cho người dân càng thêm “nóng”, do số lượng hạng mục phải sửa chữa rất lớn, gấp rút. Nếu vẫn thực hiện như trên, e khó bảo đảm hiệu quả. Từ thực tế này, thành phố xem xét lại việc phân cấp, phân quyền trong thực hiện bảo trì nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Để bảo đảm nguyên tắc tài chính, có thể giao Sở Xây dựng thực hiện cải tạo, sửa chữa các hạng mục lớn, phức tạp. Đối với những hạng mục hỏng hóc nhỏ, thay thế thiết bị phục vụ sinh hoạt hằng ngày, nên giao Công ty TNHH MTV Quản lý và kinh doanh nhà đảm nhận, nhằm bảo đảm tính kịp thời, hiệu quả, phục vụ người dân tốt hơn.