Thảm sát bằng súng Cơn ác mộng của người Mỹ

12:06 CH 30/10/2017

Ngày 2-10, vụ xả súng vào đám đông tham dự lễ hội âm nhạc Route 91 Harvest tại Las Vegas (Mỹ) làm ít nhất 58 người chết và hơn 500 người bị thương và con số này còn tăng lên. Đây là một trong số các cuộc thảm sát bằng súng gây nên nỗi sợ hãi kinh hoàng tại Mỹ từ hàng chục năm nay.

Cảnh hỗn loạn trong vụ thảm sát ngày 2-10 ở Las Vegas (Mỹ).

(Ảnh: ABC News)

Đặc biệt bi thảm

Khi toàn thế giới lo ngại về những vụ đánh bom, tấn công bằng xe ô tô có nguy cơ thành phong trào khủng bố, tấn công bằng súng lại chính là hình thức bạo lực gây ám ảnh nhất tại Mỹ. Theo nghiên cứu của Phó giáo sư Adam Lankford (Trường đại học Alabama, Mỹ) được công bố tháng 1 – 2016, ở Mỹ xảy ra nhiều thảm sát bằng súng hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Từ năm 1966 đến 2012, dù chỉ chiếm 5% dân số toàn cầu nhưng Mỹ chiếm tới 31% số vụ tấn công bằng súng được thực hiện tại nơi công cộng.

Chỉ trong năm 2015, có tới 372 vụ tấn công đẫm máu bằng súng tại Mỹ, cướp mất tính mạng của 475 người. Sau đó, số vụ giảm dần, nhưng mức độ thương vong không có dấu hiệu giảm. Điển hình gần nhất là vụ xả súng tại câu lạc bộ Pulse ở thành phố Orlando vào ngày 12-6-2016, giết chết 49 nạn nhân vô tội. Hơn 1 năm sau, vụ tấn công mới đây tại Las Vegas khiến người dân Mỹ kinh hoàng trước sự táo bạo của kẻ thủ ác và số thương vong lớn.

Mua súng dễ như mua rau!

"Việc dễ dàng tiếp cận với vũ khí là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn tới các vụ xả súng.", Phó giáo sư Lankford khẳng định. Theo ước tính, có 270 triệu tới 310 triệu vũ khí đang được sở hữu tại Mỹ, nhiều hơn ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Với dân số Mỹ ở mức 319 triệu người, điều này khẳng định gần như mỗi công dân Mỹ đều có trong tay một khẩu súng. Điều này là hậu quả của luật quản lý và sử dụng súng lỏng lẻo, xuất phát từ văn hóa súng đạn tồn tại từ lâu và các vận động hành lang của Hiệp hội Súng quốc gia Mỹ - tổ chức vốn “thân thiện” với nhiều đời tổng thống Mỹ.

Tại Mỹ, kiểm soát súng đạn từ lâu là vấn đề được nhiều người dân quan tâm và gây đau đầu cho chính phủ Mỹ. Năm 2016, ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton sử dụng chính sách kiểm soát chặt chẽ việc mua vũ khí như 1 trong những điểm mạnh trong chương trình vận động bầu cử của mình. Tuy nhiên, chiến thắng của Tổng thống Donald Trump, người có cái nhìn dễ dãi hơn với việc người dân sở hữu súng đạn, cho thấy người Mỹ vẫn rất coi trọng quyền được mua vũ khí để bảo vệ bản thân, mặc cho các vụ tấn công bằng súng cướp đi sinh mạng hàng vạn người mỗi năm.

Khó kiểm soát

Kẽ hở ít được chú ý tới khi nhắc đến các biện pháp phòng ngừa bạo lực do súng đạn tại Mỹ là ở các chính sách liên quan đến sức khỏe tâm thần của người Mỹ. Đặc điểm chung thường thấy ở những kẻ xả súng là những bất ổn về tâm lý và nhu cầu sở hữu súng đạn cao để thực hiện hành vi bạo lực nhằm giải quyết bất mãn với xã hội. Trong khi đó, các chương trình hỗ trợ sức khỏe tâm thần của Mỹ không nhận được sự quan tâm thích đáng. Phó giáo sư Lankford cho biết, việc giáo dục, tuyên truyền về sức khỏe tâm thần không được coi trọng còn dẫn tới hiện tượng các kẻ tấn công thích lôi kéo sự chú ý. Năm 2012, vụ xả súng tại một rạp chiếu phim ở Aurora làm kinh hoàng cả nước Mỹ, và một nỗ lực tấn công tương tự được lặp lại vào cuối năm 2012. "Điều đáng sợ nhất là khi những tên tội phạm tiếp tục cạnh tranh và tìm ra các cách tấn công mới để thu hút thêm sự chú ý", Lankford lý giải.

Các vụ tấn công hàng loạt bằng súng được coi là tấn công “công nghệ thấp” nên rất khó để cơ quan an ninh giám sát và ngăn chặn. Vì vậy, thay vì “nước đến chân mới nhảy”, chính phủ Mỹ cần nhanh chóng chú ý đến các chính sách liên quan đến bạo lực bằng súng đạn, không chỉ ban hành bộ luật an toàn súng đạn đầy đủ và hiệu quả cao, mà còn tập trung giải quyết nguyên nhân sâu xa ở những bất ổn vô cùng cao về sức khỏe tâm thần tại Mỹ. Hằng năm, Mỹ chi hàng tỷ đô la Mỹ cho các biện pháp chống khủng bố, nhưng nước Mỹ cần đầu tư nhiều hơn nữa để khỏi phải trả giá đắt cho những cuộc đổ máu kinh hoàng do chính công dân Mỹ thực hiện.

Trần Ngọc (tổng hợp)