Tháng Nhân đạo 2021: Vì một cộng đồng an toàn
Hội Chữ thập đỏ thành phố tặng quà người dân huyện Vĩnh Bảo tại phiên Chợ Nhân đạo ngày 13-5.
(HPĐT)- Với chủ đề “Vì một cộng đồng an toàn”, Tháng Nhân đạo năm nay (5-2021) triển khai nhiều hoạt động thiết thực, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng nhân ái của mọi tầng lớp người dân và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ. Bà CAO THỊ PHƯỢNG, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố trò chuyện cùng phóng viên Báo Hải Phòng chung quanh nội dung này…
- Đề nghị bà cho biết những hoạt động nổi bật diễn ra trong Tháng Nhân đạo năm nay?
- Tháng Nhân đạo năm nay hướng tới các hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân, tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, tăng cường huy động các nguồn lực chung tay phòng, chống dịch trong tình hình mới, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là người bị ảnh hưởng bởi dịch, người mắc bệnh hiểm nghèo, người già neo đơn, phụ nữ đang nuôi con nhỏ.
Chương trình Chủ nhật Đỏ - Hiến máu cứu người lần thứ 13 do Hội Chữ thập đỏ thành phố phối hợp Thành Đoàn tổ chức
Cuối tháng 4, Hội Chữ thập đỏ thành phố tổ chức lễ phát động Tháng Nhân đạo 2021. Đến thời điểm này, Hội tổ chức 2 phiên Chợ Nhân đạo. Phiên thứ nhất diễn ra ngày 7-5 tại Thành Hội, phố Lạch Tray (quận Ngô Quyền), Hội vận động được hơn 2 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm; phối hợp với Tổ chức Tides (Hoa Kỳ) trao 350 suất quà tặng người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đang sinh sống tại các quận nội thành và 2 huyện An Lão, Vĩnh Bảo. Phiên thứ hai diễn ra ngày 13-5, tại huyện Vĩnh Bảo, Hội trao 100 kg cá giống, 500 con gà giống, 2 con bò giống và 100 phiếu đổi hàng, mỗi phiếu trị giá 500 nghìn đồng gồm: Khẩu trang, nước xịt khuẩn và nhu yếu phẩm tặng người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. Tổng giá trị các hoạt động tại phiên chợ đạt gần 90 triệu đồng.
- Được biết, đây là năm đầu triển khai Tháng Nhân đạo trong toàn hệ thống hội sau 3 năm thí điểm (2018-2020). Quá trình triển khai hoạt động này những năm qua tại Hải Phòng như thế nào?
- Từ năm 2018, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thí điểm triển khai, chọn tháng 5 hằng năm là Tháng Nhân đạo. Sở dĩ chọn tháng 5 bởi đây là tháng có nhiều ngày kỷ niệm ý nghĩa như: Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (8-5) và Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), người sáng lập và là Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Qua 3 năm triển khai, các cấp Hội cả nước vận động được gần 1.700 tỷ đồng, vượt hơn 150% so với bình quân giá trị hoạt động các tháng trong năm; trợ giúp hơn 2,25 triệu lượt người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng hơn 400 công trình nhân đạo ở các cấp Hội…
Tại Hải Phòng, sau 3 năm thí điểm, các cấp Hội phối hợp với nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trên địa bàn thành phố huy động gần 23 tỷ đồng hỗ trợ gần 5.000 lượt người có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Tháng Nhân đạo 2020 tập trung vận động nguồn lực chung tay phòng, chống dịch bệnh thông qua mô hình “Chợ Nhân đạo” nhằm hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, dịch bệnh. Trên cơ sở kết nối nguồn lực từ nhiều tổ chức, cá nhân, nhóm thiện nguyện cộng đồng, Chợ Nhân đạo được tổ chức khoa học, có sự chỉ đạo của chính quyền và sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương, hỗ trợ đa dạng các mặt hàng cho người dân. Năm 2020, các cấp Hội thành phố tổ chức 18 phiên Chợ Nhân đạo, hỗ trợ hơn 1.000 ngư dân và người bị ảnh hưởng bởi dịch. Một số hội cơ sở làm tốt như: Quận Lê Chân, quận Ngô Quyền, huyện Tiên Lãng…, góp phần lan tỏa mô hình đầy tính nhân văn trong cộng đồng.
Với những kết quả khả quan đạt được trong 3 năm, năm 2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng chính thức triển khai Tháng Nhân đạo trong toàn hệ thống Hội, thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các địa phương đối với hoạt động chữ thập đỏ. Qua đó, góp phần nâng cao kết quả công tác nhân đạo, khẳng định vai trò, sứ mệnh nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ các cấp, góp phần cùng cả hệ thống chính trị đẩy lùi dịch bệnh.
- Quá trình triển khai Tháng Nhân đạo hẳn gặp không ít khó khăn. Bà có những đề xuất, giải pháp gì để góp phần giải quyết khó khăn?
- Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, công tác triển khai Tháng Nhân đạo cũng gặp nhiều khó khăn. Do dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều đơn vị, doanh nghiệp khiến công tác vận động nguồn lực hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn gặp nhiều trở ngại. Cùng với đó, không ít tổ chức, đoàn thể và người dân chưa nhận thức sâu sắc giá trị của hoạt động nhân đạo khiến chương trình chưa tạo sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Thực tế cho thấy kinh phí vận động tổ chức Tháng Nhân đạo giảm dần từ 10 tỷ đồng (năm 2018) xuống 5 tỷ đồng (năm 2020).
Để giải quyết những khó khăn trên, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu đề ra của Tháng Nhân đạo, các cấp hội thực hiện đổi mới cách làm như: Tổ chức ký kết chương trình phối hợp với một số tổ chức, đơn vị truyền thống; đa dạng hóa các hình thức vận động nguồn lực trên nguyên tắc “tự nguyện không vụ lợi”; phối hợp các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa Tháng Nhân đạo trong các tầng lớp nhân dân để tạo sự đồng thuận trong xã hội về công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ, lan tỏa rộng rãi tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng. Hội Chữ thập đỏ thành phố mong muốn các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội và mọi tầng lớp nhân dân thành phố nâng cao nhận thức, tích cực vào cuộc, để có thêm nhiều người có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ, vươn lên cuộc sống.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Các cấp Hội thành phố phấn đấu trong Tháng Nhân đạo năm nay huy động từ 5-10 tỷ đồng, trợ giúp ít nhất 2.000 lượt người trở lên có hoàn cảnh khó khăn với hình thức và mức trợ giúp thích hợp; phối hợp với Giáo hội Phật giáo thành phố hỗ trợ xây dựng từ 14-20 Nhà Nhân ái; phối hợp với Câu lạc bộ “Sống để yêu thương” huyện Tiên Lãng hỗ trợ xây dựng 3 Nhà Nhân ái. Mỗi quận, huyện có từ 7 địa chỉ nhân đạo trở lên. Mỗi xã, phường, thị trấn vận động trợ giúp hỗ trợ từ 3-5 địa chỉ nhân đạo trở lên. Phấn đấu có ít nhất 300 địa chỉ nhân đạo được giới thiệu và kết nối hỗ trợ thông qua hệ thống iNHANDAO, trong đó mỗi xã, phường, thị trấn giới thiệu ít nhất 1 địa chỉ mới. Mỗi quận, huyện vận động nguồn lực hỗ trợ 1 công trình nhân đạo, trị giá ít nhất 50 triệu đồng/công trình; xã, phường, thị trấn từ 5 triệu đồng/công trình nhân đạo. Hội cũng phấn đấu tổ chức tuyên truyền, vận động hiến máu nhân đạo đạt hơn 3.400 đơn vị trở lên./.