Cảm thức quân hành của người chiến sĩ
(HPĐT)- Đúng như nhà thơ Đinh Thường chia sẻ, làm thơ với anh là để dàn trải, chia sẻ tâm tư của chính bản thân mình một cách chân thực nhất. Bản thân gắn bó với điều gì sẽ viết về điều ấy, thế nên xuyên suốt “Cảm thức quân hành”, bạn đọc thấy giọng điệu, lời tâm tình của một người lính chân chất, thật thà. 67 bài thơ trong tập thơ có thể có hoàn cảnh ra đời khác nhau, nhưng đúng là đều rõ nét “thơ chiến sĩ”, “thơ người lính”.
Người lính ấy luôn nhắc đến đồng đội trong thơ mình với đong đầy cảm xúc, nghĩa tình thắm thiết, luôn sẻ chia cùng nhau và cũng vời vợi day dứt, thương đau: “Đồng đội chung nỗi nhớ nhà/ Sẻ chia trách nhiệm đậm đà tình thân/ Chốt xa gian khó thêm gần/ Sương sa thành rượu quay quần bên nhau” (Đêm xuân trên chốt biên phòng) hay “Bâng khuâng chạm đá tai mèo/ Nhắc tên đồng đội, đau theo tháng ngày” (Thăm lại điểm cao).
Nếu ai từng tiếp xúc nhà thơ Đinh Thường, sẽ thấy nhà thơ kiệm lời, cẩn trọng, có nét hơi nghiêm nghị. Từng là cán bộ chính trị cấp cơ sở trong quân đội, nên anh tự nhận, con người mình hơi khô cứng, nên khi viết, những câu thơ khúc chiết cũng nhiễm tính cách của mình. Dẫu vậy, tôi vẫn thấy đâu đó trong “Cảm thức quân hành” một trái tim người lính mộng mơ: “Mê say hoa núi hương rừng/ Trái tim trước biển vẫn hừng hực yêu” (Trái tim trước biển). Khi mùa xuân đến, trong cái lạnh se sắt vùng cao, lính biên phòng thức xuyên đêm trực sẽ thấm thía hơn ai hết nỗi cô đơn, nhớ nhà, nhớ người thân vời vợi. Nhà thơ thừa biết, nỗi vất vả, khó khăn, hiểm nguy ẩn tàng rình rập nơi biên cương với người lính. Nhưng dường như, anh không nhắc nhiều hay nặng nề thái quá về những điều đó, mà giữa khoảng xuân thênh thang của núi rừng, nhà thơ: “Ngước tìm ánh pháo hoa bay/ Hướng về nội địa vơi đầy sóng quê/ Tết rừng xuân điểm say mê/ Đất thiêng như giục bốn bề tình trai” (Đêm xuân trên chốt biên phòng). Rõ ràng, một tâm hồn lính phóng khoáng, trẻ trung, hướng tới cái đẹp đang hiển hiện. Dù có thể nghiệm ngòi bút với thể thơ tự do, thì khi đọc thơ Đinh Thường, tôi vẫn thấy thức dậy nhiều câu lục bát nhuần nhuyễn, dễ đi vào lòng người đọc hơn, và với quan điểm cá nhân, tôi cho thể loại này là thế mạnh của nhà thơ.
“Cảm thức quân hành” dường như dẫn dắt tôi theo bước chân người lính, cùng người lính trở về quá khứ với “Chiều Vị Xuyên”, “Nhặt nắng Truông Bồn”, “Nhảm nhí chuyện cũ”…, có lúc lại cùng người lính lang thang đến các vùng trời, địa danh xa xôi của Tổ quốc như Tả Văn, Bến Dược, Môn Sơn, Mã Pí Lèng… để rồi lòng thức dậy, lăn tăn, trăn trở với nhạt nắng, mây sa, với nơi chập trùng sương gió quấn quanh mảnh đời thơ bé nhiều thiệt thòi, xót xa. Tôi nghiền ngẫm để nhận ra, mỗi bài thơ của người lính Đinh Thường viết trong hoàn cảnh, thời khắc nào đều đầy trách nhiệm của một người lính với Tổ quốc, với đồng bào.
Và thật sơ suất nếu không nhắc đến hình ảnh người mẹ trong thơ Đinh Thường, đó là những người mẹ của đất nước này, mẹ của những người lính đã hy sinh vì sự bình yên của Tổ quốc, mẹ của người lính hôm nay. Vẫn đều đều giọng điệu giản dị, nhà thơ nhắc đến người mẹ với niềm kính yêu tha thiết. Thời nào cũng thế, mẹ của lính luôn chịu những thiệt thòi lớn, nỗi cô đơn, thương nhớ con giày vò trong xa cách : “Một đời mấy đận cách chia/ Mấy năm nay đất trời như thêm vội/ Cha đi rồi, mẹ vẫn ngồi tụng niệm/ Ước nguyện Phật về linh nghiệm phía trời xa” (Mùa hoa cau của mẹ). Với các bài thơ “Phút giây mẹ được phủ Quốc kỳ”, “Niềm tin của mẹ”, “Bên tượng đài mẹ Suốt”… khắc họa rõ hình tượng người mẹ hiền hậu, với nhiều hy sinh lặng thầm, nhưng vững chắc niềm tin về con đường người lính đã chọn. Đó cũng chính là quan điểm, lý tưởng kiên quyết, nhất quán trong “Cảm thức quân hành”, xuất bản vào tháng 11-2024 của nhà thơ mặc áo lính: nhà thơ Đinh Thường.