Người viết “truyện ngắn” bằng hình ảnh
Nhà báo Lưu Quang Phổ.
Bắt đầu chụp ảnh từ năm 1988, nhưng đến năm 1991, Lưu Quang Phổ mới có được chiếc máy ảnh cho riêng mình. Trải qua 32 năm, nhiều loại máy từ phim đến kỹ thuật số qua tay anh, nhưng đam mê với nhiếp ảnh vẫn nồng cháy như ngày đầu. Với Lưu Quang Phổ, những bức ảnh hôm nay sẽ là cả câu chuyện lịch sử cho ngày sau. Đó cũng là lý do tại sao đang là hội viên làm thơ của Hội Nhà văn Hải Phòng, Lưu Quang Phổ “sang ngang” nhiếp ảnh và âm thầm chụp ảnh đời sống hằng ngày suốt 3 thập kỷ. Đi và chụp ở nhiều nơi, nhưng phần nhiều ảnh của anh chụp về Hải Phòng.
Chỉ từng bức ảnh được chụp trong thế kỷ 20, anh sôi nổi “chú thích” mỗi chi tiết trong ảnh như kể câu chuyện giản dị của đời sống. Từ những vật dụng quen thuộc, trang phục, cảnh sinh hoạt... hiện lên bức tranh đời sống lịch sử xưa cũ. Đúng như chia sẻ của anh, giá trị cao nhất của nhiếp ảnh là những khoảnh khắc mang tính tư liệu, tài liệu liên quan đến con người.
Đó là bức ảnh chụp năm 1996 tại huyện An Dương (Hải Phòng) về bữa cơm của một gia đình. Chỉ một bức ảnh mà người xem ngay lập tức liên tưởng đến câu chuyện về bữa ăn chiều ngày hè của nông dân ngày ấy. Phải là bữa ăn chiều thì mới ngồi ở hiên. Một chiếc chiếu cũ, 3 chiếc nồi nhôm và 1 chiếc nồi gang. Nồi gang nấu cơm gạo mới lúc nào cũng có cháy hay có thêm vài củ khoai độn. Một nồi canh rau muống luộc hay canh cua nấu rau tập tàng. Nồi cá kho chay. Thêm niêu tép rang với khế chua. Cả nhà ăn trên chiếu nhưng không có đôi dép nào chung quanh. Có thể thấy, mọi người thường đi chân đất. Nhất là bàn chân của cháu bé còn nguyên vết đen. Chắc hẳn đó là vết đen của nền bếp. Thêm một chú mèo, chú gà đứng chờ chực. Người xem dễ hình dung hình ảnh nồi cơm gang nấu và đốt ủ chín bằng rơm bao giờ cũng bị bay lớp tro lên trên mặt. Lớp tro bụi trên mặt nồi cơm là phần thưởng dành cho đàn gà được thả rông tìm mồi khắp sân vườn. Một chiếc bát con được xới riêng cho chú mèo chăm chỉ canh cót thóc góc nhà. Những gương mặt khắc khổ, đen sạm bởi công việc đồng áng ngoài trời nhưng vẫn nhận ra sự chân phương mộc mạc của người nông dân với những suy nghĩ hiện ngay trên từng nét mặt.
Ở bức ảnh hôi cá trên ao nước được chụp tại huyện Kim Thành (Hải Dương) cũng vào năm 1996, gần 50 người từ trẻ con, người lớn, đàn ông, phụ nữ đều tập trung mò bắt cá. Có lẽ, theo thời gian, hình ảnh này sẽ là câu chuyện mãi mãi về một thời làm công, tính điểm. Ruộng ao đều là tài sản của hợp tác xã. Thế nên, luôn có những hình ảnh lao động tập thể. Những đứa trẻ chỉ khoảng 10 tuổi đầu đã biết tham gia công việc nhà nông của gia đình. Thêm nữa, một bức ảnh chụp bãi gửi xe máy ở Hội Lim, Bắc Ninh năm 1992 trên một mặt ruộng toàn xe máy Simson và Honda Cub, thi thoảng có một chiếc Dream. Muốn lấy xe ra phải dắt trên những thanh gỗ dẹt. Bức ảnh chụp chọi trâu Đồ Sơn năm 1995 thì sới chọi còn chưa có khán đài, trâu chọi trên mặt ruộng và gần như không có hàng rào, người xem ngồi vây quanh sới. Chỉ một bức ảnh, người xem ngay lập tức nhớ lại câu chuyện của mình, thời mình được gọi tên một cách chân thật và chi tiết nhất.
Đọc nhiều tài liệu về nhiếp ảnh, Lưu Quang Phổ cũng viết nhiều về nhiếp ảnh. Trong những bài viết của mình, anh quan niệm nhiếp ảnh là những khoảnh khắc mang tính tư liệu, tài liệu, là những lát cắt của cuộc sống không dàn dựng, chắp ghép. Vì vậy, hơn 30 năm đam mê nhiếp ảnh, anh có một kho ảnh. Mỗi bức ảnh giống như những “truyện ngắn” bằng hình ảnh về đời sống con người từ những năm 1990 đến nay. Đó là những bức ảnh chụp ở làng hoa Đằng Hải khi chưa lên phố, hay khu phố cũ Tam Bạc từ những năm 1990, hoặc Bến Bính, cổng cảng với xe mini hai gióng, xe xích lô lam lũ chạy đầy đường. “Tập truyện ngắn” ấy hầu như chưa được xuất bản bởi như anh nói, đó là những món “đồ cổ” để càng lâu sẽ càng quý. Thời gian trôi càng lâu ký ức của con người sẽ dần phai nhạt, nhưng những bức ảnh dù có thể nhạt màu nhưng vẫn là những khoảnh khắc của ký ức, đủ làm sống lại những câu chuyện, những kỷ niệm cũ trong lòng người. Đó là những khoảnh khắc còn mãi với thời gian.