Những cây cầu nối với cuộc sống
(HPĐT)- Khoảng 60 trong số 82 bức tranh Tạ Đức Bảo Nam vẽ trong một khoảng thời gian ngắn (chừng 2 tháng) là về những cây cầu. Từ cầu Rồng, cậu Nậm Rốm, cầu Vàm Cống, Tràng Tiền, Non Nước… ở những nơi xa; đến những cây cầu gần gũi về khoảng cách địa lý hơn: Cầu Thê Húc, Nhật Tân… đều được Bảo Nam tưởng tượng ra dựa trên video clip trên youtube và những hình ảnh trên báo chí, truyền thông… Cậu bé 14 tuổi bị hội chứng tự kỷ nặng (thang đánh giá mức độ tự kỷ CARS 41-42/60) đã may mắn bắc được nhịp cầu hội họa để giao tiếp với xã hội, với cuộc sống chung quanh mình…
Sinh năm 2011, theo gia đình Bảo Nam, ngay từ thuở ấu thơ, cậu bé đã rất khó khăn trong những sinh hoạt thường ngày. Khả năng ngôn ngữ kém, rất ít khi chuyện trò và cũng không dễ để chuyện trò với những người bên cạnh, nhưng ngược lại Bảo Nam thích vẽ. Cậu bé thường biểu đạt cảm xúc của mình qua những nét vẽ nguệch ngoạc, vụng dại. Thế giới của màu sắc mở ra một không gian mới, thu hút sự chú ý của cậu bé tăng động. Bảo Nam thường tập trung khi vẽ, trong những thời khắc ấy, cậu bớt chạy nhảy, bớt nghịch ngợm hơn, chỉ đắm chìm vào những suy tưởng của riêng mình…
Nghệ thuật, nhất là hội họa, luôn có sức hấp dẫn bí ẩn với trẻ em mắc bệnh tự kỷ. Đã có nhiều trẻ tự kỷ trong sự vô thức của mình, làm nên những tác phẩm rung động lòng người. Bảo Nam cũng đang chật vật trong một giai đoạn vốn nhạy cảm với ngay cả những thiếu niên bình thường: bước vào tuổi dậy thì. Và cách tốt nhất để cậu bé vượt qua những rối rắm bệnh tật chính là vẽ. Bảo Nam vẫn say sưa vẽ, biểu đạt trên toan giấy những hình dung về đường phố và những cây cầu, cậu bé tự kỷ nặng vẽ nên ước mơ chưa cả định hình để nhắc nhở chung quanh về sự hiện diện, sự tồn tại của chính mình giữa cuộc đời này… Biết làm chủ bố cục, luôn tạo được chiều sâu không gian trong các bức tranh của mình, Bảo Nam đã mỗi lúc mỗi lớn, trưởng thành hơn, giao tiếp xã hội tốt hơn nhờ chính cây cầu hội họa… Và cậu bé cũng muốn dùng những cây cầu hội họa ấy để xác lập kỷ lục về “ trẻ (họa sĩ) tự kỷ vẽ về cầu nhiều nhất Việt Nam”…
Được bù đắp những khiếm khuyết bẩm sinh bằng sự nhạy cảm nghệ thuật, Bảo Nam cũng như nhiều bạn bè cùng cảnh ngộ đang nỗ lực mỗi ngày, nhẫn nại, bền bỉ, kiên trì dung chính hội họa để bình đẳng trong thế giới chung. Thuận lợi là, nhận thức của xã hội về hội chứng tự kỷ thời gian gần đây đã thấu đáo hơn nhiều, những người mang hội chứng tự kỷ càng lúc càng có thêm cơ hội hòa nhập bình thường với xã hội trong tất cả mọi ngày trong năm, chứ không chỉ riêng “Ngày thế giới nhận thức về tự kỷ 2/4” mà Liên hiệp quốc đã lựa chọn.