Cũng là lời nói...
Cuối tuần, người bạn nhà văn ngồi trầm ngâm bên chén trà đang dần nhạt khói, tâm sự chuyện sách in, sách tặng. Chẳng là anh mới xuất bản tập truyện ngắn, có gửi sách tặng anh em bạn bè. Sách không in nhiều, chỉ đủ để tặng những người thân thiết và lưu dấu ấn cuộc đời. Nhà văn bảo, “Cuốn này in chủ yếu để lưu lại và tặng sách anh em bạn bè thôi. Chứ tôi không có ý phát hành rộng rãi. Sách báo bây giờ bán cũng khó, ai cũng hiểu rồi. Có điều, tôi đang có chuyện băn khoăn chưa biết giải thích ra sao…”
![]() |
Gặng hỏi mãi, anh mới tần ngần chia sẻ. Chuyện là, sách về được đôi ba tháng rồi. Khi thùng sách vừa ở nhà in “cập bến” nhà anh, điều trước hết anh làm là gạch đầu dòng những người thân, bạn bè, chiến hữu, đồng nghiệp để tặng sách. Rồi thêm ít ngày sau đó, anh tỷ mẩn ghi lời tặng, ký tặng. Và thêm chừng hơn tuần nữa, anh lọc cọc đạp xe đi tặng từng người. Một số người anh buộc phải nhờ bạn bè chuyển giúp. Số bạn văn ở xa, anh gửi qua đường bưu điện rồi nhắn tin, gọi điện thông báo.
“Thời gian cũng lâu rồi, những người tôi gửi sách tặng giờ chắc chắn đều nhận được. Vì bạn bè tôi ở địa phương khác như Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh… thậm chí thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vũng Tàu đều nhắn tin, gọi điện thông báo nhận được sách. Một số người còn kịp đọc xong sách và bình luận, trao đổi lại với tôi. Vậy mà, vài người ở ngay gần đây thôi, cũng là bạn bè cả, đến giờ phút này cũng chưa biết họ nhận được sách hay chưa. Vì chưa có thông tin phản hồi.” – anh bạn nhà văn băn khoăn.
Nhiều giả thuyết được anh đưa ra. Có thể bạn bè anh bận nên quên chưa thông tin lại. Có thể người anh nhờ chuyển sách quên chưa đưa sách tới tay người được tặng. Hoặc sách thất lạc… Nhưng nhiều người cũng chưa có thói quen thông tin lại khi nhận được quà hay đồ vật qua tay người khác. Đôi khi, chỉ là câu nói, tin nhắn hay cuộc điện thoại. Đủ để người chuyển quà, chuyển đồ biết được vật cần chuyển đã tới tay người nhận.
Với những món quà sách lại khác. Để có được cuốn sách được xuất bản, người viết dành nhiều tâm sức và thời gian. Từ ý tưởng, tìm kiếm đề tài, viết, sửa, biên tập. Rồi sau đó, bươn bả đi tìm nhà xuất bản xin giấy phép, tìm địa chỉ in đáng tin cậy với giá cả phải chăng vừa với túi tiền của mình. Vì phần lớn sách in hiện nay đều do các tác giả tự thân lo liệu. Nên việc “thai nghén” được cuốn sách không chỉ là món quà đơn thuần mà là kết tinh của tình cảm và tâm tư muốn gửi đến người thân, bạn bè của chủ nhân cuốn sách.
Thế mới nghĩ, nếu những người được tặng sách biết tác giả dành nhiều thời gian và tâm huyết cho đứa con tinh thần của mình như thế nào, và trân trọng khi tặng cuốn sách ấy tới tay bạn bè ra sao, hẳn họ không im lặng khi nhận được sách tặng như thế. Và có thể, họ sẽ nhắn tin, gọi điện ngay khi cuốn sách được gửi đến tay họ. Hoặc gặp tác giả ở đâu đó, họ thông tin rằng, sách đến được nơi cần đến. Cũng là lời nói thôi, nhưng được như thế, người tặng sách sẽ bớt băn khoăn nhiều lắm.
Minh Giang