Những câu chuyện đời thường trong truyện ngắn Hoàng Thiềng
Chỉ từ những câu chuyện đời thường với những nhân vật không có gì đặc biệt. Họ là cựu chiến binh, người dân bình thường được gắn mác người “điên”, cô gái, bữa cơm giản dị với hũ mắm rươi quê kiểng… Tất cả tràn vào truyện ngắn của Hoàng Thiềng tự nhiên như chính những nhân vật và chi tiết cứ thế mà đi vào vậy. Đó là cách Hoàng Thiềng ghi và kể lại với bạn đọc yêu văn chương của thành phố Cảng.
Nhà báo, nhà văn Hoàng Thiềng từng là người lính. Ông là cựu chiến binh Đoàn Sao vàng năm xưa từng vào sinh, ra tử nhiều chiến trường khốc liệt. Trở về đời thường, bén duyên với văn chương, say mê với “cánh đồng chữ nghĩa”, Hoàng Thiềng mải mê sáng tác và gắn gần như trọn cuộc đời với những “luống cày” truyện ngắn và tiểu thuyết của mình. Từ năm 1994 đến nay, ông có 12 đầu sách in riêng và 4 đầu sách in chung. Trong đó có 9 tiểu thuyết và 3 tập truyện ngắn. “Định mệnh” là tập truyện ngắn thứ 4 được nhà văn Hoàng Thiềng giới thiệu tới bạn đọc, cũng là tập sách in riêng thứ 13 của nhà báo, nhà văn đam mê sáng tác này.
Nhà văn, nhà báo Hoàng Thiềng. |
Khác với những tập truyện và tiểu thuyết từng xuất bản trước đây khai thác nhiều chi tiết liên quan đến người lính và các chiến trường nơi nhà văn từng trải qua một thời, “Định mệnh” tập hợp 11 truyện ngắn với những nhân vật chính bước ra từ đời thường trong những câu chuyện và tâm sự rất bình thường. Mộc mạc, đơn sơ, giản đơn mà không kém phần day dứt, những câu chuyện và nhân vật của Hoàng Thiềng đưa tâm sự của mình đến với người đọc một cách tự nhiên, khiến người đọc thấy mình đang đi cùng nhân vật trong câu chuyện ấy, cùng nhân vật buồn, vui, băn khoăn, trăn trở, cùng nhân vật trải qua những cung bậc cảm xúc, hồi hộp, lo lắng, bâng khuâng.
![]() |
Tập truyện ngắn “Định mệnh” được NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2017. |
Mạch văn qua những tập truyện ngắn, tiểu thuyết trước đây của Hoàng Thiềng vốn nhiều tự sự, đậm triết lý. Ở tập truyện ngắn này cũng vậy, khác chăng là hình thức chuyển tải có thay đổi với những diễn biến gần gũi với cuộc sống đời thường hơn. Từng cốt truyện trong những truyện ngắn như “Định mệnh”, “Thắng điên”, “Chính cụ”, “Đàn bà”, “Đời cần tiếng lao xao”, “Bạn lính”, “Cuội”… đều như vậy. Có truyện ngắn, có truyện dài, có truyện triền miên với những dòng tâm sự như bức thư cô gái gửi cho chàng trai trong “Hãy nói tên em đi”. Lại có những truyện được phân chương, đoạn tựa tiểu thuyết mi-ni như “Thắng điên”. Mô-típ này từng được nhà văn Hoàng Thiềng sử dụng trong truyện “Phước” in trong tập truyện ngắn “Phước” xuất bản năm 2010. Tuy là truyện nhưng bố cục, diễn biến và sắp xếp chi tiết, thời gian như cuốn tiểu thuyết cuộc đời của nhân vật vậy. Có điều, các chi tiết được chắt lọc hơn, ngắn gọn, súc tích hơn.
Nét đặc sắc trong tập truyện là những chi tiết đời thường mà nhà văn khai thác trong từng câu chuyện mà ông ghi lại từ cuộc sống hằng ngày. Dễ nhận thấy, nhân vật của Hoàng Thiềng có mặt ở bất cứ đâu. Góc chợ, ngõ phố, trong xóm nghèo, ở giai đoạn bần hàn, vất vả nhất định. Nhân vật của Hoàng Thiềng trong tập truyện này hầu hết phải bươn trải với cuộc đời để sinh tồn. Đến mức, ước mơ nhỏ nhoi có được mụn con cũng không dám có, để rồi cuộc sống hằng ngày cứ cuốn họ đi cho tới khi thời gian nhuộm tóc họ đổi màu. Như nỗi buồn vương trên khuôn mặt khắc khổ của đôi vợ chồng trong “Định mệnh”. Hay như nỗi trắc trở của vợ chồng Thắng “điên” trải qua bao bận gian nan trong cuộc sống thiếu thốn đủ bề nơi đô thị. Những căn gác chật hẹp, những khu phố bần hàn của một giai đoạn lịch sử. Chợt nhận ra, bối cảnh và con người mà nhà văn khai thác có nét từa tựa với những bối cảnh, không gian và nhân vật trong nhiều tác phẩm của các thế hệ nhà văn, nhà thơ tên tuổi đi trước. Đó là Nguyên Hồng với những thiên tác phẩm về lớp lớp người cần lao của Hải Phòng trong “Cửa biển”, “Những ngày thơ ấu”, “Sóng gầm”, “Cơn bão đã đến”… Đó là Thi Hoàng với “Nhịp sóng”, “Ba phần tư trái đất”…
Nhưng, điều đặc biệt trong những sáng tác của các nhà văn Hải Phòng nói chung và Hoàng Thiềng nói riêng đó là những số phận, con người dù cần lao, vất vả, nhưng vẫn toát lên niềm tin, sự lạc quan, yêu đời. Họ đơn giản là chính họ, mộc mạc với cuộc sống đời thường dù vất vả, khó khăn. Họ tìm niềm vui trong những tiếng lao xao bình dị, từ những bữa cơm rau mắm hằng ngày như những người bạn trong truyện ngắn “Đời cần tiếng lao xao”. Bao lo âu, băn khoăn, mệt mỏi được giải tỏa chỉ bằng những tiếng cười và câu chuyện tào phào bên hũ mắm rươi tự làm, ăn kèm rau xà lách, giá đỗ, thịt ba chỉ luộc. Tất cả được quấn bằng cọng hành chần qua nước dùng. Thế là vui. Cũng như hương thơm hoa hồi trong khoảng lặng sau tiếng súng của những người đồng đội trong truyện ngắn “Cuội”. Bằng cách khai thác những chi tiết bình dị ấy, Hoàng Thiềng đưa cuộc sống vào trang viết của mình và tặng bạn đọc những niềm vui nho nhỏ, đầy ắp tiếng lao xao.
Nhà văn, nhà báo Hoàng Thiềng sinh năm 1952 tại Nam Định. Ông là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Bắc Thái từ năm 1987. Từ năm 1992, chuyển về sinh hoạt tại Hội Nhà văn thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng. Tác phẩm đã xuất bản: “Người trong cuộc” (tiểu thuyết, NXB Hải Phòng – 1994); “Nước mắt đàn ông” (tập truyện ngắn, NXB Hải Phòng – 1998); “Chuyện làng Tiên Hội” (tiểu thuyết, NXB Hải Phòng – 2002); “Nguyện ơi” (tiểu thuyết, NXB Quân đội – 2004); “Khúc biến tấu” (tiểu thuyết, NXB Quân đội - 2005); “Cõi mê” (tập truyện ngắn, NXB Quân đội – 2006); “Bi ca gốc Găng” (tiểu thuyết, NXB Quân đội – 2007); “Nó” (tiểu thuyết, NXB Quân đội – 2008); “Phước” (tập truyện ngắn, NXB Quân đội – 2010); “Đối mặt” (tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn – 2014); “Không thể sống khác” (tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn – 2014); “Cầu tự” (tiểu thuyết, NXB Thế giới – 2015); “Định mệnh” (tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn – 2017) |
Thùy Linh