Vẫn thiếu tính đồng bộ, sự kết nối

10:20 SA 11/04/2017

Thời gian qua, ngành du lịch thành phố có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, chuyển biến tích cực về nhiều mặt, từ đầu tư hạ tầng đến phát triển sản phẩm, tour tuyến, quảng bá xúc tiến du lịch. Tuy nhiên, kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh về tài nguyên phong phú, đa dạng, độc đáo của du lịch Hải Phòng. Phóng viên Hải Phòng cuối tuần trò chuyện cùng ông Đặng Hồng Trung, Giám đốc Công ty CP Thương mại và du lịch Thiện Nguyện, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp du lịch (Hiệp hội Du lịch Hải Phòng) về những hạn chế và giải pháp để phát triển bền vững, sức cạnh tranh cao của ngành “công nghiệp không khói” của thành phố.

Khách du lịch nước ngoài tham quan dải trung tâm thành phố.

- Từ góc nhìn doanh nghiệp, theo ông, du lịch Hải Phòng thiếu những yếu tố gì để thực sự là điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và nước ngoài?

- Hải Phòng hội tụ đầy đủ những yếu tố thuận lợi, cần thiết để phát triển kinh tế du lịch, bởi thành phố có tiềm năng lợi thế hơn nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, cái thiếu là sự liên kết, kết nối đồng bộ những gì đang có để thành khối thống nhất, hoàn thiện hơn.

Trước hết là thiếu kết nối giữa các điểm du lịch trong vùng hoặc liên vùng nhằm hình thành các hành trình di sản văn hóa - tuyến, tour du lịch hoàn chỉnh, để có thể khai thác liên hoàn, phục vụ nhiều đối tượng du khách, với các nhu cầu đa dạng khác nhau. Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn cần gắn liền các lĩnh vực khác để phát triển kinh tế du lịch như: công nghiệp- du lịch, ngư nghiệp- du lịch, di sản- du lịch, văn hóa- du lịch… Cụ thể, tuyến du khảo đồng quê tham quan huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, ngoài điểm đến đền, chùa, du khách có thể tham quan trải nghiệm làm nông dân tại khu nông nghiệp cao của Tập đoàn Vingroup, mua sản phẩm, thưởng thức rau sạch ngay tại đó. Để làm được việc này cần có sự phối hợp, liên kết tạo thành chuỗi điểm du lịch với nông nghiệp, trong đó vai trò, nhận thức về làm du lịch rất quan trọng. Người nông dân cũng là hướng dẫn viên du lịch, góp phần tạo sự thiện cảm đối với du khách. Ở tính kết nối này phải có sự vào cuộc của các ngành chức năng, chính quyền các địa phương trong việc quy hoạch, lĩnh vực, ngành nghề, chọn mũi nhọn phát triển kinh tế; nâng cao nhận thức, tư duy làm du lịch của mỗi công chức, người dân. Tránh tình trạng “vạch ra, để đấy”, xây dựng tuyến, điểm du lịch như hiện nay, nhưng không có sự kết nối, đâu cũng là điểm du lịch nhưng khách đến không có gì để tham quan, mua sắm.

Tính kết nối thứ hai là giữa các doanh nghiệp với nhau. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực như lữ hành, dịch vụ, sản xuất sản phẩm du lịch phải vì mục tiêu chính là thu hút du khách, cùng liên kết chia sẻ khó khăn, lợi nhuận thu được để phát triển bền vững. Có thể lấy dẫn chứng ngành du lịch Thái Lan. Doanh nghiệp lữ hành tổ chức tham quan miễn phí, hãng hàng không vận chuyển miễn phí. Khách chi trả tiền ăn, ở và tham quan mua sắm. Lợi nhuận của doanh nghiệp trong chuỗi kết nối được chia cho nhau để cùng phát triển với tiêu chí phải có khách du lịch; du khách cũng chỉ phải chi trả mức tối thiểu, có thiện cảm quay trở tham quan du lịch. Để làm được điều này, phải có vai trò điều hành, kết nối của các Hiệp hội Du lịch trong công tác chỉ đạo, quản lý, chắp mối các doanh nghiệp với nhau.

Tính kết nối cuối cùng là giao thông. Hàng loạt dự án giao thông hiện đại đã, đang và sắp đưa vào hoạt động như: Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, đường ô tô cao tốc Hà Nội -Hải Phòng, cầu Tân Vũ – Lạch Huyện, cầu Bạch Đằng… là yếu tố quan trọng để khách du lịch trong nước và nước ngoài đến với Hải Phòng. Tuy nhiên, thành phố cần tăng cường các phương tiện giao thông công cộng đưa khách từ trung tâm thành phố hoặc sân bay tới các điểm du lịch để thu hút khách du lịch nhóm nhỏ; có giải pháp tận dụng lợi thế về giao thông để thu hút du khách một số tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định về Hải Phòng tham quan du lịch và tiêu tiền. Để làm được điều này, các tuyến điểm du lịch của thành phố cần được làm mới, đồng thời du lịch Hải Phòng phải có điểm nhấn, là “thành phố không ngủ” cầu nối du lịch trước khi du khách đến với các nơi khác.

- Điểm nhấn du lịch “thành phố không ngủ” là gì?

- “Thành phố không ngủ” là du khách đến Hải Phòng không chỉ về khách sạn để ngủ, mà có cơ hội tham gia nhiều chương trình mua sắm, giải trí nghệ thuật, ẩm thực… Muốn vậy, Hải Phòng cần có thêm nhiều hơn các điểm vui chơi sôi động, tạo ấn tượng với du khách về “thành phố không ngủ”. Đây là những nơi có sự kiện, dịch vụ vui chơi giải trí, thời trang, ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn, lễ hội ánh sáng, mua sắm quy mô. Việc này cần tổ chức định kỳ, thông tin sớm đến với du khách. Chẳng hạn, như Tống Thành khu du lịch phim trường ở Hàng Châu, (Trung Quốc) họ có khẩu hiệu “Hãy cho tôi một giờ, tôi trả lại bạn ngàn năm” hay biểu diễn Lido ở Pari (Pháp). Khi đến đây, du khách được xem các chương trình biểu diễn múa, các tiết mục nghệ thuật tái hiện lịch sử của đất nước. Ở Hải Phòng, nhiều nơi có thể xây dựng mô hình phim trường này như: Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc, Tràng Kênh hay Khu Hội chợ Triển lãm quốc tế... Các điểm này cần được đầu tư thành quần thể về lịch sử, mua sắm, ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật, tạo điểm nhấn về du lịch nhằm thu hút các doanh nghiệp lữ hành liên kết xây dựng, xúc tiến quảng bá tua. Hiện nay, du khách đến du lịch ở Hải Phòng thường tiêu rất ít tiền vì sản phẩm du lịch còn nhiều hạn chế, đơn điệu.

- Vậy du lịch Hải Phòng cần làm gì để nâng cao chất lượng sản phẩm?

- Hải Phòng nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng như bánh đa cua, các loài hải sản, thậm chí phù sa của biển Đồ Sơn... Tuy nhiên, chưa có sản phẩm lưu niệm mang biểu trưng Hải Phòng, bởi thiếu sự liên kết, xây dựng, quảng bá sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Để sản phẩm du lịch tạo ấn tượng với du khách phải được chính người dân địa phương thực hiện, đem lại lợi ích thiết thực cho họ. Qua “bàn tay” của doanh nghiệp góp phần nâng tầm, thổi hồn vào các sản phẩm để quảng bá, nhằm tạo sự tò mò, hấp dẫn du khách mua sản phẩm du lịch. Doanh nghiệp có lợi, người dân có lợi sẽ tạo thành sản phẩm để du lịch phát triển bền vững.

Có thể dẫn chứng làng đá Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng, doanh nghiệp “bắt tay” với người dân làm du lịch. Doanh nghiệp kết nối tua, đầu tư cơ sở chế biến, bán hàng; người dân chế biến sản xuất. Trong các tua du lịch Đà Nẵng, hầu hết đều được hướng dẫn qua các cửa hàng đá mỹ nghệ tham quan, mua sắm, cả doanh nghiệp và người dân đều có lợi. Hải Phòng cũng có rất nhiều làng nghề truyền thống như làng cau Cao Nhân (Thủy Nguyên), điểm đến hấp dẫn du khách nước ngoài trong tua du khảo đồng quê. Khách du lịch đến đây khá thích thú trước phong cảnh làng quê, nhưng không mua được sản phẩm lưu niệm. Nếu có doanh nghiệp đầu tư dây chuyền chế biến kẹo cau sẽ là lợi thế rất lớn. Khi khách du lịch tham quan được nghe về lợi ích của cau, có tác dụng cho sức khỏe như thế nào, đưa khách tham quan dây chuyền sản xuất kẹo cau, mời khách thưởng thức. Chắc chắn sẽ tạo sự hấp dẫn cho du khách và không ít người bỏ tiền ra mua kẹo cau về làm quà. Như vậy, doanh nghiệp được lợi, người dân được lợi, du khách bỏ tiền mua quà cũng thấy phấn khởi.

Để thực hiện điều này, thành phố cần có cơ chế khuyến khích, ưu đãi về thuế, phí đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành,vì họ đưa khách đến thành phố và kết nối giữa du lịch với dịch vụ và các ngành kinh tế khác

- Trân trọng cảm ơn ông!

Duy Lân